Ngày 18/12, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030) khu vực phía Bắc.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), ông Y Vinh Tơr - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh, mặc dù Chương trình MTQG DTTS và MN được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao.
Theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực thực hiện Chương trình của 19 tỉnh là 47.157,367 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 37.890,499 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 9.274,140 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 là: Vốn ngân sách Trung ương đạt 58,3%; Vốn ngân sách địa phương đạt 75,7%.
Chương trình có 9 nhóm mục tiêu cơ bản với tổng cộng 24 chỉ tiêu cơ bản được Quốc hội giao đến hết năm 2025. Trong số 8 nhóm mục tiêu đã và đang được rà soát kết quả bước đầu cho thấy việc hoàn thành các phần lớn các chỉ tiêu. Trong đó có 5/8 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt. Đơn cử như: Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Từ những kết quả đã đạt được, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đề ra những mục tiêu của chương trình giai đoạn II là: Tiếp tục giữ vững mục tiêu của Chương trình trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn...
Trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể như: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...
"Có thể thấy, một số địa phương trên địa bàn các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc đã đạt được kết quả tương đối tốt trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình theo tiến độ hàng năm, một số tỉnh đã và sẽ đạt các mục tiêu của Chương trình đề ra như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên....", ông Y Vinh Tơr nhấn mạnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết thêm, dự kiến đến hết năm 2025 mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương (phấn đấu đạt 3% /năm), trong đó một số tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo cao như: Lào Cai 6,4%, Điện Biên 5,1%, Yên Bái 5%, các tỉnh còn lại đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Phấn đấu số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2025 đạt 424 xã (94,2%); Số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn dự kiến đến cuối năm 2025 đạt 3.322 thôn (75,2%).
Đến nay, theo báo các của các địa phương, thu nhập bình quân của 19 tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc đạt 52,7 triệu đồng/người/năm, ước tính đến hết giai đoạn đạt 57,8 triệu đồng/người/năm (tăng 4,2 lần thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số năm 2019). Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của một số tỉnh khá cao như: Lào Cai 104 triệu đồng/người/năm, Quảng Ninh 100 triệu đồng/người/năm, Ninh Bình 68 triệu đồng/người/năm, Hà Nội 80 triệu đồng/người/năm.
"Nhìn chung, tính đến thời điểm báo cáo, các tỉnh/thành phố trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Một số địa phương đạt kết quả tương đối tốt trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo tiến độ hàng năm; dự kiến đến hết giai đoạn có 5 tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu được giao là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Thái Nguyên", ông Y Vinh Tơr đánh giá.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh 3 nhiệm nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong thời gian tới.
Thứ nhất, đối với kết quả của hội nghị với những kiến nghị của các địa phương, đề nghị các thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương có những ghi nhận và giải đáp kịp thời nếu thuộc phạm vi thẩm quyền, còn những vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền thì cần có trách nhiệm kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, đề nghị cơ quan chủ trì, văn phòng điều phối và các vụ, đơn vị, uỷ ban, tiếp thu nghiêm túc, phân loại rõ ràng. Đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, quan tâm hệ thống văn bản pháp lý, trình tự thủ tục hồ sơ.
Thứ ba, về nội dung chương trình, phạm vi đối tượng, nội dung chính sách, nguồn lực thực hiện. Cần thực hiện việc phân công gắn với phân cấp, phân quyền.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm những bài học, vướng mắc, đề xuất kiến nghị, cần tập trung trọng tâm, trọng điểm định hướng của từng địa phương để bàn bạc, thống nhất, xác định rõ nội dung cụ thể để giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo, rà soát, đánh giá theo quan điểm thống nhất, ban chỉ đạo các tỉnh có sự chỉ đạo quyết liệt, đề nghị các sở, ngành, thành viên phối hợp với Ban dân tộc các tỉnh tập trung đánh giá thật kỹ.
"Rất mong các tỉnh quan tâm đến việc sắp xếp bộ máy tổ chức cho hợp lý, đồng bộ, thống nhất từ đầu mối đến con người", ông Hầu A Lềnh nói.
Ban Dân tộc các tỉnh được đề nghị chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, ban chỉ đạo cấp tỉnh làm tốt hơn công tác đánh giá, triển khai các chính sách dân tộc với 3 phương châm "chắc, sắc và đắc".
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công, người có uy tín, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số nhất là vùng có thiên tai, bão lũ đi qua với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".