Dân Việt

Lãnh đạo Tổng cục Thuế tiết lộ số thu ngân sách lập kỷ lục chưa từng có

Thái Nguyễn 18/12/2024 17:12 GMT+7
Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là năm đầu tiên số thu ngành thuế quản lý vượt mốc trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán

Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" chiều ngày 18/12.

Phát biểu tại hội thảo ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là năm đầu tiên số thu ngành thuế quản lý vượt mốc trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng thu do cơ quan thuế quản lý lũy kế 2021 - 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2021–2025, các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị toàn cầu. Trước tình hình đó, Chính phủ, ngành thuế và các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai các chính sách thuế đồng hành cùng các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nỗ lực này đã giúp duy trì sự cân bằng và mang lại những kết quả tích cực.

"Kỷ lục" số thu ngành thuế quản lý trên 1,7 triệu tỷ đồng, dấu ấn từ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Ảnh: Tô Thế

"Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 18 của Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, tập trung, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua đó mở rộng nguồn thu trên môi trường kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh số", ông Sơn chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, chính sách thuế trong nhiều năm qua đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó, 4 năm qua, việc miễn giảm thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800.000 tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.

"Triết lý nuôi dưỡng nguồn thu bền vững thay vì siết thu đã mang lại thành công đáng ghi nhận. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940.000 tỷ đồng. Vai trò của ngành thuế vượt khỏi khuôn khổ đơn thuần là cơ quan thu ngân sách, đã đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hiển nhấn mạnh.

Dấu ấn chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế

Công tác chuyển đổi số cũng là một trong những dấu ấn đáng ghi nhận của ngành thuế thời gian qua. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, ngành thuế đã triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 304 xuống 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, tích hợp 122/235 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử. Triển khai dịch vụ Thuế điện tử dành cho cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản, khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy đã đạt gần 50% trên tổng số tờ khai.

"Kỷ lục" số thu ngành thuế quản lý trên 1,7 triệu tỷ đồng, dấu ấn từ chuyển đổi số - Ảnh 2.

Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức. Ảnh: Tô Thế

Năm 2022, ứng dụng eTax Mobile được triển khai ra mắt, hỗ trợ người nộp thuế cá nhân qua điện thoại đến nay đạt gần 2,2 triệu lượt cài đặt với trên 3,5 triệu giao dịch ngân hàng với tổng số tiền đã nộp thành công 7.761 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành Thuế đã bắt đầu ứng dụng Big Data và AI trong quản lý hóa đơn, phát hiện nhanh, cảnh báo và ngăn ngừa kịp thời các hành vi gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế, trốn, tránh thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ NNT kê khai, nộp thuế điện tử mọi lúc, mọi nơi.

Về mở rộng cơ sở thuế, ngành thuế đã đẩy mạnh việc mở rộng nguồn thu trên môi trường điện tử, bắt kịp xu hướng các hoạt động kinh tế chuyển hướng từ phương thức truyền thống sang phương thức điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử,...

Trong đó, xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử, lũy kế từ cuối năm 2022 đến nay đã tiếp nhận thông tin của hơn 1,8 triệu doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh từ 435 sàn.

Trong ngày 19/12/2024, ngành Thuế sẽ chính thức đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.