Liên kết chặt chẽ giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, thương mại, công nghệ hàng đầu cả nước là chìa khóa giúp đồng bằng sông Cửu Long vượt qua các thách thức hướng đến phát triển bền vững
Ngày 18/12, tại Trường Đại học An Giang, UBND tỉnh An Giang tổ chức tọa đàm "Nguồn vốn đầu tư và nguồn lực cho liên kết bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long - Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước". Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dự và phát biểu tại hội nghị.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang; các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, diễn giả, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp...
Thời cơ và thách thức
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem địa bàn chiến lược, trung tâm sản xuất lương thực, vựa lúa lớn nhất cả nước, khi chiếm khoảng 50% sản lượng lúa, đóng góp hơn 90% gạo xuất khẩu; đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Vùng còn chiếm khoảng 60% sản lượng trái cây của cả nước, xuất khẩu sang các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, góp phần tăng giá trị nông nghiệp Việt Nam. Vùng còn có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ logistics, du lịch...
Tuy là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của cả nước, nhưng đồng ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất, suy thoái nguồn nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng yếu kém... Đặc biệt là sự thiếu hụt các nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững.
Từ đó đòi hỏi các địa phương trong vùng phải có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững. Trong đó, các địa phương cần tập trung quản lý tài nguyên nước, cải tiến công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Tham gia tọa đàm, ông Kayzad Namdarian, Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết rất vinh dự được phát biểu tại sự kiện Mekong Connect 2024. Theo ông ông Kayzad Namdarian, Chính phủ Úc nhìn nhận vai trò quan trọng của ĐBSCL đối với tầm nhìn chung về phát triển giữa Úc và Việt Nam, nhằm hướng tới một khu vực cởi mở, ổn định và thịnh vượng. ĐBSCL là khu vực địa lý quan trọng trong mối quan hệ Úc - Việt Nam, và chính phủ Úc tự hào đã đầu tư hơn 650 triệu đô la Úc tại nơi đây kể từ năm 2000. Trong đó bao gồm việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại khu vực ĐBSCL...
"Chính phủ Úc sẽ tiếp tục là đối tác với cam kết hợp tác lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng…"- Ông Kayzad Namdarian nhấn mạnh.
ĐBSCL làm gì để phát triển bền vững?
Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá cao hiệu quả của Diễn đàn Mekong Connect. Qua các kỳ diễn đàn, vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khởi nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; kinh tế xanh, công nghệ xanh, thúc đẩy thương mại bền vững và tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn, để bắt kịp xu thế của thế giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.
Để ĐBSCL phát triển bền vững, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương trong vùng cần phối hợp với các trường, viện, các nhà khoa học để nghiên cứu, tạo ra các giống lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển giống cây dược quý; tạo ra các chế phẩm vi sinh vật phục vụ canh tác, xử lý môi trường. Qua đó, giúp các địa phương trong vùng nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao khả năng chống chịu sâu hại, giảm phát thải ra môi trường… để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Để kết nối, hợp tác phát triển vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và cả nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó các tỉnh cần huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của vùng; đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học công nghệ; tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương…
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL triển khai nhiều chương trình hợp, tuy nhiên việc liên kết phát triển kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, do hoạt động liên kết vùng chưa đi vào chiều sâu do thách thức về điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư - kinh doanh và cơ chế quản trị - hợp tác- liên kết vùng. Từ đó, việc khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng hướng quy hoạch còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả", ông Hải nêu ra tại buổi tọa đàm.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL và các khu vực, địa phương trong cả nước.
"TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSCL, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành"- ông Hải cho biết.
Là đơn vị lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Mekong Connect, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Mekong Connect 2024 là cơ hội tốt để tỉnh An Giang giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu; tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.
"An Giang sẵn sàng hợp tác, chia sẻ có trách nhiệm với tất cả các bên trong tất cả các lĩnh vực; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng, phát triển các hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững"- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.