Dân Việt

Nông dân Cần Giờ "chơi lớn" đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao

Lê Giang 19/12/2024 09:50 GMT+7
Nghề nuôi tôm được TP.HCM quan tâm đẩy mạnh và được xem là sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản chủ lực. Trong đó, ở Cần Giờ người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

Cần Giờ đẩy mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

TP.HCM xác định con tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của thành phố. Nghề nuôi tôm chủ yếu tập trung ở 04 xã phía bắc huyện Cần Giờ (Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn) và 2 xã huyện Nhà Bè (Hiệp Phước và Nhơn Đức). Nghề nuôi tôm huyện Bình Chánh không nhiều chỉ tập trung ở các xã có nguồn nước nhiễm mặn như Đa Phước, Phong Phú.

Ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao giá trị, sản lượng tôm nuôi. Là địa phương đi đầu về nuôi tôm tại Thành phố, huyện Cần Giờ có gần 5.000 ha nuôi tôm, trong đó có khoảng 1.700 ha nuôi trên ao, các mô hình nuôi tôm trên địa bàn huyện ban đầu chủ yếu theo hướng nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến phân biệt chủ yếu dựa vào mật độ nuôi và các biện pháp quản lý trong quá trình nuôi.

Những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Nhiều vụ nông dân mất trắng vì dịch bệnh. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm, qua đó gia tăng thu nhập.

Nông dân Cần Giờ "chơi lớn" đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao- Ảnh 1.

Nông dân Cần Giờ "chơi lớn" đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao

Tổng chi phí ban đầu cho 1ha nuôi tôm trong nhà lên đến hàng tỷ đồng, bao gồm xây ao lắng, xây nhà bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt oxy đáy… Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống, chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha đang được nhiều hộ nông dân huyện Cần Giờ, TP.HCM hào hứng triển khai.

Hiện nay, các mô hình nuôi tôm đã có sự thay đổi theo hướng cụ thể hơn, phải đảm bảo sự bền vững, ứng dụng và phát triển công nghệ cao như: mô hình nuôi tôm theo quy trình 2-3 giai đoạn, mô hình nuôi semi-biofloc, mô hình nuôi sử dụng vi sinh... và sử dụng các thiết bị phụ trợ để sản xuất ra sản phẩm tôm nuôi đạt chất lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, trong thực tế đa phần người dân nuôi tôm thường không theo một mô hình chuẩn nào mà tận dụng cùng lúc nhiều công nghệ từ các mô hình nuôi tôm tiên tiến để bổ trợ cho nhau. Mức độ hiệu quả đạt được là khác nhau giữa các cơ sở nuôi, phụ thuộc vào trình độ, năng lực tiếp nhận, áp dụng công nghệ, khả năng về tài chính của người nuôi và các điều kiện phụ trợ khác.

Tối ưu hóa quy trình nuôi tôm thu lời lớn

Qua thực tiễn, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả tại huyện Cần Giờ được xây dựng dưới dạng nuôi tôm theo quy trình nhiều giai đoạn kết hợp với việc sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi và được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ phụ trợ đang được người dân nuôi tôm ứng dụng và nhân rộng.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả kết hợp ưu thế từ việc nuôi tôm nhiều giai đoạn, cho năng suất cao (25–40 tấn/ha) và ổn định, rút ngắn thời gian nuôi còn 70–90 ngày/vụ; ít chịu tác động từ môi trường và dịch bệnh từ bên ngoài.

Nhờ đó, nông dân đạt lợi nhuận cao so với mô hình nuôi thông thường từ 30–35% và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nuôi tôm.

Ngoài việc lựa chọn mô hình nuôi tôm phù hợp thì việc lựa chọn công nghệ, trang thiết bị hỗ trợ sản xuất cũng cực kỳ quan trọng nhằm góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho người nuôi tôm.

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C được nông dân huyện Cần Giờ ra sức nhân rộng. Đây là hướng đi cho tỷ lệ nuôi tôm thành công cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm ao đất.

Một số công nghệ, trang thiết bị nuôi tôm hiệu quả được sử dụng tại địa phương có thể kể đến như: sử dụng máy cho tôm ăn tự động giúp quản lý thức ăn tốt, giúp tôm lớn nhanh, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi; sử dụng hệ thống kiểm tra giám sát môi trường ao nuôi có thể giám sát các thông số môi trường nước ao nuôi 24/7, giúp người nuôi ra quyết định và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của môi trường; thiết bị xử lý nước bằng công nghệ siêu âm, điện hóa vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sử dụng lạm dụng thuốc, hóa chất.

Nông dân Cần Giờ "chơi lớn" đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao- Ảnh 3.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề cơ sở hạ tầng nuôi, môi trường nuôi, biến động giá nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi, dịch bệnh và cả vấn đề chuyển dịch đất nuôi trồng thủy sản sang đất khác.

Để nghề nuôi tôm tiếp tục duy trì và phát triển, ngoài các giải pháp quản lý dịch bệnh trên tôm, quản lý diện tích đất nuôi trồng thủy sản; thì việc tìm kiếm và tối ưu hóa quy trình nuôi tôm nhằm đảm bảo tính bền vững, mang tới lợi nhuận ổn định cho người nuôi tôm.

Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng liên kết giữa người dân - doanh nghiệp - nhà khoa học và Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành tạo chuỗi liên kết, liên kết ngang và dọc trong sản xuất và nuôi trồng; đa dạng hóa các sản phẩm sau thu hoạch, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, nông dân cần tuân thủ mùa vụ và kỹ thuật nuôi; xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn nuôi an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tăng cường kiểm dịch và kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; khuyến khích, đầu tư vào các nghiên cứu phòng trị bệnh và xử lý môi trường vùng nuôi.