Dân Việt

Nhà phân phối xe máy, ô tô Hưng Thịnh Phát 2 năm đóng thuế... 0 đồng, kinh doanh ra sao?

N Thịnh 19/12/2024 10:57 GMT+7
Dù là thương hiệu phân phối xe máy, ô tô nổi tiếng tại Thái Bình, Hưng Thịnh Phát của đại gia Vũ Mạnh Hoàn có vẻ đang gặp nhiều khó khăn. Hai năm liền chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 0 đồng, Hưng Thịnh Phát vẫn tăng trữ hàng tồn kho trong bối cảnh thị trường ô tô, xe máy giảm sút.

Tiềm lực Hưng Thịnh Phát của đại gia Vũ Mạnh Hoàn

Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát của đại gia Vũ Mạnh Hoàn là một trong thương hiệu phân phối xe gắn máy nổi tiếng tại tỉnh Thái Bình. Doanh nghiệp này phân phối toàn bộ các sản phẩm xe máy, xe điện của nhiều hãng như Honda, Yamaha, SYM, Suzuki,…

Năm 2018, nắm bắt được nhu cầu thị trường, Hưng Thịnh Phát cũng mở rộng kinh doanh khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh ô tô, đã ký kết hợp đồng đại lý chính thức cung cấp các sản phẩm ô tô cho các hãng xe lớn như: Hyundai, Toyota, MG, Nissan, Mitsubishi,…

Thương hiệu phân phối xe máy, ô tô Hưng Thịnh Phát 2 năm đóng thuế... 0 đồng, làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Hưng Thịnh Phát của ông Vũ Mạnh Hoàn: 2 năm không thuế vì lỗ nặng, nợ phải trả gấp 39 lần vốn.

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát thành lập vào ngày 23/2/2005, có trụ sở chính tại số 05, phố Quang Trung, tổ dân phố số 1, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là đại lý, môi giới, đấu giá. Đại diện pháp luật/Giám đốc là ông Vũ Mạnh Hoàn (SN 1974).

Thời điểm thành lập Hưng Thịnh Phát có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Vũ Mạnh Hoàn góp 1,4 tỷ đồng (chiếm 93,33% VĐL) và ông Nguyễn Chấn góp 100 triệu đồng (tỷ lệ 6,67% VĐL).

Tại thay đổi vào tháng 4/2017, doanh nghiệp thực hiện tăng vốn từ 4 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng. Cổ đông khi này gồm: ông Vũ Mạnh Hoàn góp 5 tỷ đồng (tương đương 50%) và Ngô Minh Loan góp 5 tỷ đồng (tương ứng 50%). Đáng chú ý, 2 cổ đông này cùng có địa chỉ thường trú.

Đến tháng 7/2017, vốn điều lệ của Hưng Thịnh Phát được tăng lên lên 12,7 tỷ đồng, trong đó, ông Vũ Mạnh Hoàn góp 6,215 tỷ đồng (tương đương 48,937%); Ngô Minh Loan góp 6,35 tỷ đồng (nắm 50%) và Phạm Đăng Ngữ góp 135 triệu đồng (nắm 1,063%).

Tiếp đó, đến tháng 3/2018 doanh nghiệp tiếp tục nâng vốn lên 40 tỷ đồng. Cổ đông vẫn là ông Vũ Mạnh Hoàn và Ngô Minh Loan, mỗi người góp 50%. Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, Hưng Thịnh Phát bất ngờ giảm vốn điều lệ từ 40 tỷ xuống còn 25 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn và tỷ lệ sở hữu không thay đổi.

Hưng Thịnh Phát 2 năm đóng thuế... 0 đồng

Mặc dù là doanh nghiệp nổi tiếng, tuy nhiên vài năm trở lại đây, Nhà phân phối xe máy, ô tô Hưng Thịnh Phát của ông Vũ Mạnh Hoàn có dấu hiệu gặp khó khăn trong kinh doanh. Dữ liệu Dân Việt cho thấy chỉ tính riêng trong 2 năm 2022 - 2023, Hưng Thịnh Phát ghi nhận kết quả kinh doanh bị lỗ, qua đó nâng số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính năm 2023 lên hơn 21 tỷ đồng. 

Cụ thể, năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty ghi nhận hơn 132 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn bán hàng ở mức 127,7 tỷ đồng (giảm 26,7% so với năm 2022). Lợi nhuận gộp trong năm 2023 chỉ ở mức 4,4 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022.

Lợi nhuận gộp tương đối thấp, phản ánh đặc thù của ngành phân phối, nơi biên lợi nhuận thưởng mỏng do phụ thuộc vào chiết khấu từ nhà sản xuất và mức độ cạnh tranh cao.

Doanh thu tài chính vỏn vẹn thu hoạt động tài chính năm 2023 của Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát ghi nhận chỉ hơn 521.000 đồng, trong khi ở cùng kỳ năm 2022 là hơn 1,1 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính, trong đó toàn bộ là chi phí lãi vay hơn 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có khoản chi phí quản lý kinh doanh năm 2023 là gần 5 tỷ đồng, còn năm 2022 chi phí này ở mức 5,2 tỷ đồng.

Thương hiệu phân phối xe máy, ô tô Hưng Thịnh Phát 2 năm đóng thuế... 0 đồng, làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Kết quả, năm 2023, Hưng Thịnh Phát lỗ trước thuế hơn 3,8 tỷ đồng, còn năm 2022 lỗ trước thuế hơn 9,2 tỷ đồng.

Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát năm 2023 và năm 2022 đều bằng 0.

Cầu thị trường giảm nhưng nhà phân phối xe máy, ô tô Hưng Thịnh Phát vẫn tăng trữ hàng?

Tính đến cuối năm 2023, tổng cộng tài sản của Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát đạt hơn 150,2 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty thời điểm này là hơn 4,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu cũng giảm mạnh từ 81,7 tỷ đồng, xuống hơn 19 tỷ đồng (giảm 76,5% so với đầu kỳ). 

Trong đó khoản phải thu khách hàng có 5,6 tỷ đồng, giảm 82%; trả trước cho người bán ở mức 10,7 tỷ đồng, giảm 78,2%. Trong khi đó, khoản phải thu khác tăng mạnh từ hơn 950 triệu đồng lên 2,8 tỷ đồng. 

Trái ngược với nguồn thu từ khách hàng bị giảm sút, hàng tồn kho của Hưng Thịnh Phát "phình to" hơn, ở mức 85,2 tỷ đồng, tăng 27,4% so với đầu năm.

Việc phải thu khách hàng giảm mạnh 82%, hàng tồn kho "phình to" cho thấy khó khăn của thị trường kinh doanh ô tô, xe máy khi nhu cầu xe giảm mạnh. Điều này có thể nhìn vào toàn thị trường tại Việt Nam năm 2023, doanh số ô tô và xe máy đều giảm sút.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán ô tô tại Việt Nam năm 2023 đạt 301.989 xe, giảm 25% so với năm 2022.Trong khi đó, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng doanh số xe máy năm 2023 đạt 2.516.212 xe, giảm 16,21% so với năm 2022.

Dữ liệu doanh số bán xe của toàn thị trường giảm sút cũng tiếp tục kéo sang năm 2024 khi nhiều hãng ô tô ghi nhận mức giảm 20-30% doanh số còn với xe máy cũng giảm từ 10-15%.

Theo ghi nhận, đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát là hơn 146,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,5%. Vay và nợ thuê tài chính của công ty ghi nhận 127,5 tỷ đồng, chiếm tới 87,1% nợ phải trả của công ty. Vốn chủ sở hữu của công ty đến cuối năm 2023 là hơn 3,7 tỷ đồng. 

Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty hiện là gấp gần 39 lần. Đáng lưu tâm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 là âm hơn 21,2 tỷ đồng.