Mới đây, UBND TP.HCM đã thông qua đề xuất tăng thời gian nghỉ Tết cho học sinh thêm 2 ngày của Sở GDĐT TP.HCM. Cụ thể, thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 23/1/2025 (tức ngày 24 tháng chạp) đến hết ngày 2/2/2025 (tức mùng 5 tháng giêng), tổng cộng là 11 ngày. Tuy nhiên, số ngày nghỉ này vẫn được cho là ít hơn các năm trước, khi học sinh TP.HCM thường được nghỉ Tết từ 12 đến 16 ngày.
Trên các diễn đàn, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự niềm vui khi Sở GDĐT, UNBD TP đã lắng nghe ý kiến của phụ huynh và học sinh, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tăng thêm 2 ngày cũng không đáng kể.
Anh Nguyễn Xuân Ngọc (Gò Vấp) cùng gia đình mới chuyển đến sinh sống ở TP.HCM năm nay. Ngày từ giờ, anh đã bắt đầu lo lắng việc sắp xếp thời gian đi về quê cho cả gia đình. Thời gian đầu, khi có thông báo các con chỉ được nghỉ 9 ngày, anh Ngọc khá bối rối.
Anh cho rằng thời gian này là khá ngắn. Quê anh ở Quảng Trị, tính thời gian di chuyển cả đi cả về đã mất 2 ngày. Sau đó, cũng cần thêm thời gian nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài để cho con sẵn sàng đi học, thêm khoảng một ngày nữa. Vậy là thời gian ở quê chỉ còn 6 ngày.
Tuy nhiên, khi có thông báo chính thức con được nghỉ thêm 2 ngày, anh cho rằng thời gian vẫn chưa đáng kể. "Với những gia đình lao động cơ bản như chúng tôi, cả năm chỉ sắp xếp cho gia đình về quê thăm ông bà được 1, 2 lần. Bởi chi phí mỗi lần di chuyển đều rất tốn kém. Nên tôi cho rằng, thời gian nghỉ Tết nên kéo dài hơn để các cháu được nghỉ thoải mái sau một thời gian học tập căng thẳng"- anh Ngọc bày tỏ.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Lan Hương (Tân Bình) cho rằng nên có sự thay đổi thời gian ở các kì nghỉ cho học sinh. Chẳng hạn như thời gian kì nghỉ hè nên rút ngắn để bù sang số ngày nghỉ Tết.
"Thật ra tôi thấy kỳ nghỉ hè bây giờ của các con cũng không còn đơn thuần như trước. Có thể con được nghỉ được một tháng, 2 tháng còn lại là dành thời gian cho việc học thêm" - chị Hương nói, đồng thời cho rằng nên xem xét lại thời gian của kì nghỉ hè.
Theo chị, nghỉ hè quá lâu dẫn đến việc các con có thể quên mất các kiến thức, vì thế việc đi học thêm là không thể tránh khỏi. Thay vì nghỉ hè kéo dài đến 3 tháng, nên rút ngắn để bù sang ngày nghỉ Tết, một kì nghỉ không chỉ để học sinh nghỉ ngơi, mà còn mang ý nghĩa văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thanh Nhung (Bình Thạnh) lại cho rằng, không nên kéo dài thời gian nghỉ Tết của các con. Chị Nhung giải thích, thời gian nghỉ Tết của các con đang khá sát với lịch nghỉ Tết của cha mẹ. Nếu kéo dài, đối với các bạn ở lứa tuổi mầm non, tiểu học sẽ khó sắp xếp để có người trông con cho cha mẹ đi làm.
Hiện tại, học sinh ở Việt Nam đang được nghỉ từ 6 đến 11 kì nghỉ, mỗi kì nghỉ kéo dài từ 1 đến 11 tuần. Theo quy định của Bộ GDĐT, lễ khai giảng năm học sẽ vào ngày 5/9, thời gian kết thúc học kỳ I là 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Học sinh học 9 tháng, trong đó có 7-16 ngày nghỉ Tết và ba tháng nghỉ hè. Số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất 37; giáo dục thường xuyên ít nhất 32 tuần.
Nói về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, thời gian nghỉ hè 3 tháng đã có từ thời Pháp thuộc. Điều này đã trở thành một thông lệ ở Việt Nam bao lâu nay.
Với một kì nghỉ hè truyền thống, gia đình có điều kiện sẽ cho con đi đó đây vui chơi. Ở nông thôn, các em giúp gia đình gặt hái mùa màng, phụ công việc nhà, tuyệt nhiên không có việc đi học thêm.
Tuy nhiên, nhìn nhận tình hình thực tế, ông Nhĩ cho rằng kì nghỉ hè giờ đây đã mất đi ý nghĩa của chính nó. Thay vì nghỉ hè, các em dường như chỉ chuyển từ kì học này sang kì học khác. Bởi thế, ông cho rằng việc xem xét lại thời gian của các kì nghỉ là hợp lý. Theo ông, ngành giáo dục có thể tính toán việc chia thời gian nghỉ trong năm thành các đợt nghỉ nhỏ hơn để học sinh thực sự được nghỉ ngơi, vui chơi.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện Phòng GDĐT quận 12 (TP.HCM) lại cho rằng, phòng đồng ý với thời gian các kì nghỉ hiện tại. Đại diện phòng cho rằng, việc có để kì nghỉ hè trở thành một kì học thứ 3 không là do lựa chọn chủ quan của các phụ huynh. Rất nhiều học sinh vẫn có kì nghỉ hè ý nghĩa khi được tham gia các hoạt động ngoại khóa, cải thiện các kĩ năng mềm.
"Thường trong thời gian học tập chính khóa, các con khó có thời gian để tham gia các khóa luyện kỹ năng kéo dài cả tháng như bơi, vẽ, đàn, hát... Nên thời gian nghỉ hè, phụ huynh có thể cho con tham gia học các khóa huấn luyện kỹ năng mềm thay vì tiếp tục học thêm các kiến thức văn hóa như ở trường" - đại diện Phòng GDĐT quận 12 nói.
Đồng thời, đại diện phòng cho biết thêm, với tình hình đặc thù của quận 12 - một quận có rất nhiều dân nhập cư, tỉ lệ di cư cơ học cao, hằng năm, giáo viên và các cơ sở giáo dục tại quận phải mất khoảng 2 tháng để chuẩn bị cho việc tuyển sinh và chuẩn bị chào đón năm học mới. Nếu rút ngắn thời gian nghỉ hè, có thể tạo nên khó khăn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường trong công tác tuyển sinh.