Để hiểu rõ hơn về các quy định, rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024 và dự báo năm 2025, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) xung quanh vấn đề này.
Dù đạt được nhiều kết quả trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nhưng năm 2024 các thị trường xuất khẩu cũng liên tục có những thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong nhập khẩu nông lâm thủy sản. Những thay đổi đó là gì, các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng ra sao, thưa ông?
-Chúng ta rất tự hào về nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để đưa nông sản Việt vào được các thị trường cao cấp, với nhiều quy định khác nhau là cả một quá trình nỗ lực của các bên liên quan. Chúng ta muốn xuất khẩu được không chỉ gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được nhiều quy định khác nhau của các thị trường nhập khẩu.
Có sản phẩm chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực của nhiều đơn vị để đạt được các quy định của thị trường để xuất khẩu được sản phẩm sang nước bạn.
Xu thế chung của các Thành viên WTO cũng như các thị trường nông sản của Việt Nam đều đưa ra nhiều quy định về SPS đối với nông sản thực phẩm với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sức khỏe động thực vật. Tuy nhiên, không phải quy định nào cũng nghiêm ngặt, cũng có những quy định được nới lỏng. Nhưng điều quan trọng là làm sao chúng ta phải tiếp cận được các quy định nay và tuân thủ đúng các quy định, đây là điều bắt buộc vì biện pháp SPS là biện pháp bắt buộc áp dụng trong thương mại nông sản đối với các Thành viên WTO. Chính vì thế mà WTO đã thành lập một ủy ban về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (gọi tắt là Ủy ban SPS-WTO).
Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024, các Thành viên WTO đưa ra 1.029 thông báo và thông báo dự thảo về các biện pháp SPS, trung bình mỗi ngày, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 3 thông báo hoặc thông báo dự thảo. Trong đó có nhiều thông báo quy định về dư lượng lượng tối đa thuốc BVTV, chất phụ gia thực phẩm,… đối với từng sản phẩm nông sản thực phẩm. Trong số đó, phần lớn thông báo và thông báo dự thảo liên quan đến các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Mặc dù thị trường có nhiều thay đổi như vậy nhưng chúng ta đã vào cuộc kịp thời. Hầu hết các DN, nông dân cơ bản đều đáp ứng các quy định của thị trường, bên cạnh đó có một số chưa tiếp cận được các quy định hoặc chưa nhận thức hết được việc tuân thủ các quy định về SPS của thị trường nhưng đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" trong câu chuyện xuất khẩu nông sản. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền, vận động và yêu cầu các trường hợp này thay đổi để đáp ứng được các quy định SPS trong sản xuất, xuất khẩu.
Trước thay đổi đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 về việc phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do". Sau đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt quyết định 2998 (Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT Kế hoạch triển khai của Bộ NN&PTNT thực hiện Đề án SPS), đến nay hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc kịp thời.
Dưới góc độ cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi biện pháp SPS của các nước nhập khẩu thì theo ông, khó khăn nhất của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng các yêu cầu luôn thay đổi của các thị trường là gì?
Có lẽ chúng ta cần phân loại 2 trường hợp, một là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chuyên nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều đã có bộ phận kỹ thuật rất để nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi thị trường của cơ quan chức năng. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ chưa có điều kiện để tiếp cận tốt các quy định của thị trường.
Nhóm doanh nghiệp thứ 2 này sẽ là nguy cơ vi phạm về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh khi chưa đáp ứng, tuân thủ các thay đổi của thị trường nhập khẩu. Thực tế hiện nay, để nhóm các doanh nghiệp này tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường là vấn đề khá khó khăn.
Mặt khác, do chưa có hệ thống thông suốt được từ Trung ương, địa phương, đến doanh nghiệp và nông dân về phổ biến, cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của thị trường nhập khẩu, đây là vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới, vì điều này tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp và tới xuất khẩu.
Theo thông lệ quốc tế, các thông báo dự thảo biện pháp SPS được lấy ý kiến các Thành viên WTO trong 60 ngày thì mới áp dụng, trừ những trường hợp đặc biệt, nguy cấp thì sẽ áp dụng ngay. Vì vậy, chúng ta có thời gian để chuyển đổi, thích ứng nhưng phải có cơ chế tiếp cận tốt thì mới đáp ứng được quy định của thị trường.
Để đáp ứng các quy định SPS của thị trường về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, về các chất phụ gia thực phẩm, về quản lý đối tượng kiểm dịch vẫn phải là câu chuyện liên kết trong sản xuất. Doanh nghiệp cần phải có vùng nguyên liệu rõ nguồn gốc, đảm bảo thực hành nông nghiệp tốt. Khi đó, mới có khả năng đáp ứng được quy định của thị trường, bởi nếu không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, không có doanh nghiệp đạt chuẩn, có thể 1 lô hàng vi phạm sẽ ảnh hưởng cả 1 lô hàng lớn của DN, ảnh hưởng đến cả ngành hàng và hơn nữa là uy tín của nông sản Việt Nam.
Cơ hội của năm 2025 đã mở ra trước mắt, để người nông dân, doanh nghiệp tận dụng hết cơ hội, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, các nhà quản lý, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân?
Thực lòng chúng tôi rất lo lắng, chỉ mong mỗi ngày không nhận được thông báo dự thảo về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của Thành viên WTO hoặc cảnh báo từ thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế lại gần như thường xuyên tiếp nhận các thông tin trên.
Lần đầu tiên, chúng ta đã đạt kỷ lục trong xuất khẩu nông sản, có nhiều sự đột phát để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nhưng làm sao để phát triển bền vững nền nông nghiệp để gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Với mục tiêu nông sản của Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường nhưng một điều rất quan trọng là phải song hành với câu chuyện nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hai vấn đề này phải luôn song hành với nhau. Đặc biệt, đối với người nông dân, doanh nghiệp là những lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta thỏa mãn về vấn đề tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng.
Về xu thế trong thời gian tới, hiện nay chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp các hiệp định đa phương như Chương SPS trong Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định ASEAN - Canada, Hiệp định ATIGA…. Tôi thấy hầu hết các nội dung SPS ngày càng được nâng cao. Do đó, câu chuyện an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng nâng cao về chất lượng nông sản thực phẩm. Đây sẽ là xu thế tất yêu của thế giới.
Hi vọng năm 2025, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sẽ lập nhiều kỷ lục mới nhưng quan trọng nhất là phải lập được kỷ lục về nông sản Việt được nâng tầm chất lượng.
Xin cảm ơn ông!