Dân Việt

Trung Quốc chậm mua hàng, giá một loại tinh bột của Việt Nam giảm sâu

P.V 22/12/2024 06:09 GMT+7
Giá sắn đang có xu hướng giảm sâu do nhu cầu mua hàng từ các nhà máy của Trung Quốc rất chậm.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, từ đầu tháng 12/2024 đến nay, mặc dù giá sắn đã giảm sâu, nhưng nhu cầu mua hàng từ các nhà máy Trung Quốc vẫn rất chậm. Tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) ở mức khoảng 120.000 tấn (ở ngưỡng rất thấp so với mức tiêu thụ tinh bột sắn tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm chính vụ hàngnăm). 

Hiện, giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, hiện giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 423-435 USD/tấn, FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với cuối tháng trước. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái dao động ở mức 3.130-3.250 CNY/tấn, giảm 140 CNY/tấn so với cuối tháng trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu sắn lát tiếp tục giảm so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc dao động ở mức 225 USD/tấn, FOB cảng Việt Nam, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước; Trong khi giá xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc giảm xuống mức 280 USD/tấn, FOB Quy Nhơn, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng trước. 

Trong bối cảnh thị trường đầu ra chậm và giá giảm như hiện nay, các đơn vị kinh doanh sắn lát vụ 2024/25 có thể sẽ tập trung thu mua sắn lát theo tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thay vì mua số lượng lớn hàng dùng cho nhà máy sản xuất cồn.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 230.790 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 90,75 triệu USD, tăng 30,8% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với tháng 10/2024. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,32 triệu tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Khẳng định chất lượng, vị thế nông sản Việt - Ảnh 1.

Chế biến sắn tại nhà máy ở Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh.

Về giá xuất khẩu, do nhu cầu của Trung Quốc chậm nên giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng gần đây thường xuyên ở mức thấp. Tháng 11/2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 393,2 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 10/2024 và giảm 21,5% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 450,2 USD/tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 11/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,9% về lượng và chiếm 94,37% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 221.330 tấn, trị giá 85,64 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 10/2024.

Lũy kế 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,15 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 958,66 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Nhu cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Sự sụt giảm mạnh trong nhập khẩu sắn lát này phần lớn là do nhu cầu từ các nhà máy chế biến sắn của Trung Quốc giảm. Ngoài ra, giá ngô thấp đã khiến nhiều nhà máy thay thế sắn lát bằng ngô. 

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2024, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 135.450 tấn, trị giá 33,09 triệu USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 9/2024, giảm 42,1% về lượng và giảm 50,6% về trị giá so với tháng 10/2023. Thái Lan và Việt Nam là 2 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong tháng 10/2024. Trung Quốc đều giảm nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam và Thái Lan. 

Tính chung 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu gần 2,22 triệu tấn sắn lát, với trị giá 561,57 triệu USD, giảm 58,5% về lượng và giảm 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, với 329.130 tấn, trị giá 85,43 triệu USD, giảm 50,7% về lượng và giảm 53,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 14,83% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với mức 12,47% của 10 tháng năm 2023. 

Nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan cũng giảm mạnh trong 10 tháng năm 2024, đạt 1,87 triệu tấn, trị giá 472,61 triệu USD, giảm 59,8% về lượng và giảm 63,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 84,54% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 87,22% của 10 tháng năm 2023.

Đối với sản phẩm tinh bột sắn, theo Cục Xuất nhập khẩu, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong tháng 10/2024 giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2024, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 283.740 tấn, trị giá 139,21 triệu USD, giảm 19,6% về lượng và giảm 19,8% về trị giá so với tháng 9/2024.

Tính chung 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 3,07 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,59 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia. Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024, với 1,47 triệu tấn, trị giá 787,39 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Thị phần tinh bột sắn của Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 48,08%, thấp hơn so với mức 57,8% của 10 tháng năm 2023. Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, đạt 1,19 triệu tấn, với trị giá 603,59 triệu USD, tăng 50,6% về lượng và tăng 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 39,04% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 31,28% của 10 tháng năm 2023.

Qua số liệu cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ In-đô-nê-xi-a, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã để chiếm lĩnh và giữ vững thị phần tại thị trường này.