Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT). Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách chính sách BHXH, BHYT, Luật Việc làm...
Dự thảo Nghị định được ban hành sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg. Qua đó tạo thuận lợi cho ngành BHXH chủ động nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện thu, chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật; tập trung nguồn thu, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư theo phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua vừa đảm bảo tính thanh khoản đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Trong đó, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 22 Điều. Cụ thể, Chương 1 gồm 5 Điều, quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích tư ngữ, mở tài khoản và đảm bảo thanh khoản; Chương 2 gồm 5 Điều, quy định cơ chế tài chính về BHXH, BHTN, BHYT; Chương 3 gồm 10 Điều, quy định chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT; Chương 4 gồm 2 Điều, quy định định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm hướng dẫn, thi hành Nghị định.
Về nội dung cơ bản, dự thảo quy định cụ thể về việc mở các tài khoản tiền gửi, phân bổ tiền lãi từ các tài khoản này để đảm bảo việc theo dõi, hạch toán kế toán thu, chi theo từng quỹ thành phần, kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngoài ra, dự thảo quy định cơ quan BHXH và các đơn vị mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi. Tổ chức dịch vụ chi trả được cơ quan BHXH ủy quyền chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại sau khi thống nhất với BHXH Việt Nam. Quy định về thẩm quyền quyết định số lượng tài khoản tiền gửi, nơi mở tài khoản, thẩm quyền sử dụng tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về chuyển kinh phí chi trả chế độ, chi tổ chức và hoạt động trong quy định về cơ chế tài chính về BHXH, BHTN, BHYT. Việc này nhằm, đảm bảo kinh phí chi trả kịp thời, đầy đủ cho người hưởng bảo hiểm.
Đồng thời, bổ sung quy định việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tiến độ thực hiện, kế hoạch sử dụng kinh phí của dự án, nhiệm vụ, trong phạm vi dự toán được giao,...
Dự thảo bổ sung quy định ứng trước kế hoạch vốn để thanh toán cho các dự án đầu tư đang thực hiện dở dang thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp đầu năm chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Theo Bộ Tài chính, qua 9 năm thực hiện, cơ chế quản lý tài chính và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 60 và Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc.
Do đó, dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các quy định của Luật BHXH, BHYT, Luật Việc làm; đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các quy định hiện hành.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nội dung xây dựng dự thảo Nghị định được kế thừa từ các nội dung tại Quyết định 60 và Quyết định 38. Thời gian tiếp nhận góp ý tới ngày 10/1/2025.