Đắk Lắk có 622 hồ chứa thủy lợi và 23 hồ chứa thủy điện, tổng diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản khoảng 20.000 ha (hồ thủy lợi khoảng 12.555 ha; hồ thủy điện khoảng 7.445 ha), có thể phát triển nhiều loại thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi, cá lăng…
Tuy nhiên, hiện nay phát triển thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, giá trị ngành thủy sản mới chỉ đạt khoảng 3% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Năm 2024, diện tích hồ chứa đã được nuôi thủy sản ước đạt trên 10.400 ha, sản lượng nuôi trồng ước khoảng 26.000 tấn. Trong đó, diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi được tỉnh cấp phép, hợp đồng để nuôi trồng thủy sản chỉ khoảng 2.117 ha (chiếm 16,8% tổng diện tích hồ chứa thủy lợi).
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang được UBND tỉnh giao quản lý khai thác 252 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích mặt nước khoảng 7.300 ha.
Hiện có 44 hồ chứa đang nuôi trồng thủy sản, trong đó có 17 hồ (trên 775 ha) được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, hình thức chủ yếu là nuôi quảng canh, một số hồ có nuôi lồng bè.
Thực tế, tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản vùng hồ chứa do công ty quản lý rất lớn, dư địa còn nhiều, nhất là đa số các hồ nằm trong vùng nước sạch, mang lại nguồn thủy sản an toàn, có giá trị cao. Tuy nhiên, việc khai thác chưa tương xứng với nguồn lực sẵn có.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk), hiện nay việc phát triển nuôi thủy sản hồ chứa, nhất là hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân là do các hồ chứa chưa được điều tra, đánh giá hiện trạng, thông tin cụ thể những chỉ tiêu liên quan đến sức tải về môi trường, dinh dưỡng... để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; hoạt động nuôi trồng phần lớn còn tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến nay chủ yếu đầu tư phát triển nuôi ao, cấp phép nuôi quảng canh hồ chứa, chưa mạnh dạn cấp phép nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa.
Đặc biệt, phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (gọi tắt là Nghị định 96) chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt và ban hành.
Vì vậy, việc ký hợp đồng với các đơn vị được cấp phép cũng chưa thể hiện được mức giá cụ thể do không có cơ sở xác định giá…
Mặt nước hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) được các hộ dân khai thác nuôi cá lồng bè.
"Chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp, người dân thuê để nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, tận dụng nguồn thu từ phát triển nuôi trồng thủy sản để bù đắp thêm các khoản chi phí mà ngân sách nhà nước chưa bảo đảm cho các hoạt động bảo vệ công trình thủy lợi", ông Trịnh Quốc Bảo
Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, thực hiện Nghị định 96, công ty đã xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác. Trên cơ sở phương án giá do công ty trình và ý kiến thẩm định của các sở, ngành, UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính xem xét.
Tuy nhiên, do Nghị định 96 còn nhiều vướng mắc, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể nên phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác do các đơn vị xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa quy định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như cả nước.
Hiện tại, để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, công ty thương thảo và ký hợp đồng theo mức giá đã được các sở, ngành thẩm định, UBND tỉnh Đắk Lắk trình các bộ, ngành, với tinh thần tự nguyện từ hai bên.
Tuy nhiên, theo Nghị định 96 thì đơn giá được tính theo mức giá đang áp dụng hiện tại là gần 600.000 đồng/ha, chỉ phù hợp với hồ chứa có diện tích từ vài ha đến dưới 100 ha; mức giá này rất khó thực hiện đối với các hồ chứa có diện tích lớn như Ea Súp thượng, Krông Búk hạ, Ea Rớt… vì số tiền thuê mặt nước sẽ rất cao.
Mặc dù công ty đã đề xuất nhiều phương án tính giá chia theo từng mức diện tích hồ chứa khác nhau, với mức giá khác nhau nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Ông Trịnh Quốc Bảo cho rằng, Sở NN-PTNT cần tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị các bộ, ngành sớm điều chỉnh một số nội dung còn vướng mắc tại Nghị định 96 và sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 96.
Đồng thời, hướng dẫn công ty thực hiện các giấy phép hoạt động về nuôi trồng thủy sản tại những hồ chứa lớn do UBND tỉnh cấp trong bối cảnh giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa được ban hành.