Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Quang Kháng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại (đèo Ô Quy Hồ), những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Những đỉnh núi Pu Si Lung (3083m), Pu Ta Leng (3049m), Bạch Mộc Lương Tử (3046m)… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú, biển mây bồng bềnh, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Lai Châu còn được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách như: Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn "Bay trên nóc nhà Đông Dương" gắn với trải nghiệm văn hóa bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023).
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu chia sẻ: "Nói về núi thì Lai Châu có 3 cái nhất. Thứ nhất, Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao nhất Việt Nam (6/10 đỉnh núi). Thứ hai, Lai Châu có đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam, đó là đỉnh Pu Ta Leng. Đỉnh Pu Ta Leng được các phượt thủ, trekking đánh giá là đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây có những cánh rừng già ma mị, với những điểm săn mây tuyệt đẹp. Cái nhất thứ ba, Lai Châu có đỉnh núi khó chinh phục nhất Việt Nam, đó là đỉnh Pu Si Lung, cao thứ 2 Việt Nam (3083m).
Thêm một đặc trưng nữa, đó là một số dân tộc ít người chỉ có ở Lai Châu như: Người Lự ở bản Thẳm (Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu), người Dao khâu ở Sìn Hồ hay người Dao đầu bằng ở Sì Thâu Chải. Những nét đặc trưng riêng đó mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đây là cũng chính là lý do mà Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu khai thác mạnh về du lịch trekking các đỉnh núi cao đầy ma mị. Có thể nói, du lịch trekking được xem là một trong những điểm nhấn của du lịch Lai Châu. Trong quá trình khai thác sản phẩm du lịch này, chúng tôi luôn gắn trekking với khám phá các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Ở Lai Châu, tour nội tỉnh mà chúng tôi đang khai thác là tour 3 ngày 2 đêm gắn với các địa điểm tham quan chính trên địa bàn. Điểm trung chuyển là ở thành phố Lai Châu đi cầu kính rồng mây, Ô Quy Hồ, bản Sìn Thâu Chải gắn với cộng đồng người Dao, bản Sin Suối Hồ gắn với cộng đồng người Mông".
Bà Trần Thị Hồng Oanh – Giám đốc điều hành Khu du lịch Sinh thái Cổng trời Ô Quy Hồ, cho hay: "Khu du lịch Sinh thái Cổng trời Ô Quy Hồ nằm tại đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc Việt Nam. Chúng tôi hiện đang hoạt động ở 2 khu: Khu 1 là khu Cổng Trời và Khu 2 là khu Fairy Valey hay còn gọi là khu thung lũng thần tiên. Ngoài ra, chúng tôi sắp đưa vào hoạt động sản phẩm du lịch đặc biệt, đó là du lịch chữa lành, tọa lạc riêng biệt bên sườn núi, với nhà hàng chay và những căn nhà gỗ, để du khách ngồi thiền hoặc tập yoga.
Từ Cổng trời Ô Quy Hồ, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Hoàng Liên Sơn, những thung lũng sâu thẳm, mây trắng bồng bềnh và con đường đèo uốn lượn như dải lụa. Đây cũng là điểm săn mây lý tưởng của nhiều du khách và nhiếp ảnh gia.
Đèo Ô Quy Hồ có khí hậu thay đổi theo từng mùa. Vào mùa hè, đỉnh đèo mát mẻ, trong khi mùa đông lại thường có băng giá và đôi khi xuất hiện tuyết rơi, tạo nên cảnh tượng kỳ thú. Cổng trời Ô Quy Hồ là một điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Sa Pa và Lai Châu. Nơi đây có các cảnh quan với điểm nhấn là tượng Phật Dược sư thập diện cao hơn 30m, kiến trúc được thiết kế phù hợp để du khách chụp ảnh và ngắm toàn cảnh từ trên cao".
Ông Giàng A Dê – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: "Lai Châu có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Yên Bái. Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao. Tôi từng chinh phục các đỉnh núi ở Lai Châu. Đỉnh Pu Ta Leng được coi là đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam. Vào tháng 3, khi mùa hoa đỗ quyên nở rộ trên đỉnh Pu Ta Leng, du khách đua nhau trekking, để được chiêm ngưỡng hoa đỗ quyên khoe sắc.
Có thời điểm, mỗi ngày đỉnh Pu Ta Leng đón từ 800 – 1000 khách. Du lịch trekking đang có xu hướng tăng mạnh. Khi người ta chinh phục được đỉnh núi này rồi, thì sẽ có suy nghĩ muốn khám phá, trải nghiệm ở một ngọn núi khác. Theo tôi, Lai Châu cần kết nối các điểm du lịch nổi tiếng với nhau, để tạo nên sự liên tục cho du khách. Tức là, khi du khách tham quan điểm du lịch này có thể đi sang điểm du lịch kia luôn, chứ không phải quay lại.
Nếu phải quay lại rất dễ tạo ra sự nhàm chán cho du khách. Lai Châu có thác Nậm Lúc rất đẹp, có lẽ đẹp nhất Việt Nam, đây là điểm mạnh nên khai thác. Ngoài cảnh đẹp ra cần kết hợp văn hóa, hay kết hợp các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm dược liệu bán cho du khách".
Ông Nguyễn Thiên Linh – Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Viettadi cho hay: "Đến Lai Châu, tôi cảm nhận được các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới du lịch. Du lịch Lai Châu khác nhiều với các tỉnh khác. Nói đến Lai Châu là nói đến những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Để du lịch Lai Châu phát triển thì cần phải gắn liền với câu chuyện của những đỉnh núi. Đó là sản phẩm du lịch trekking. Đối với du lịch trekking, tỉnh Lai Châu nên có những hình thức như tôn vinh hay khen thưởng, để hấp dẫn giới trẻ. Mình phải làm giống như đào tạo sản phẩm, đưa tới giới trẻ nét văn hóa đó là đến Lai Châu chinh phục những đỉnh núi chính là đã góp phần vào xây dựng và mang giá trị cho cộng đồng.
Đặc biệt, Lai Châu là vùng đất giàu tiềm năng về dược liệu. Vì thế nên phát triển du lịch gắn với các sản phẩm dược liệu. Dược liệu phải kết nối với các sản phẩm du lịch. Đến Lai Châu, sau khi chinh phục các đỉnh núi rồi, du khách ắt hẳn muốn về thành phố Lai Châu để nghỉ dưỡng. Do đó, nên phát triển các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe ngay tại thành phố Lai Châu, để phục vụ du khách. Đó chính là mấu chốt để du lịch Lai Châu phát triển đồng bộ và bền vững".