Dân Việt

Đối tượng chiếm đoạt 6,2 tỷ đồng của nhiều người góp vốn đầu tư bất động sản, khung hình phạt liên quan?

Phi Long 22/12/2024 17:53 GMT+7
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt khẩn đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 6,2 tỷ đồng của nhiều người góp vốn đầu tư bất động sản. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Ngày 21/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt khẩn cấp một đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Giang Chung (SN 1995, trú tại 856/37 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Đối tượng chiếm đoạt 6,2 tỷ đồng của nhiều người góp vốn đầu tư bất động sản, khung hình phạt liên quan?- Ảnh 1.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt khẩn cấp Nguyễn Giang Chung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Đình Hồng

Theo hồ sơ, để lừa đảo chiếm đoạn tài sản, Nguyễn Giang Chung đưa ra thông tin gian dối là bản thân sở hữu các thửa đất có giá trị cao ở TP.HCM và TP.Đà Nẵng. Chung kêu gọi các bị hại góp vốn đầu tư nhằm thu lợi nhuận, nhưng sau khi các bị hại góp vốn thì bị Chung chiếm đoạt tiền.

Quá trình điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định đối tượng Chung đã chiếm đoạt của các bị hại trên địa bàn Thừa Thiên Huế số tiền 6,2 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế củng cố hồ sơ và mở rộng điều tra.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, theo luật sư Sơn, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.

 Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.