Dân Việt

Vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng: Bộ Xây dựng yêu cầu 100% nhà ống cần lối thoát hiểm thứ 2

Phương Thảo 23/12/2024 12:23 GMT+7
Để hạn chế thiệt hại cháy nổ với nhà ống, đại diện Bộ Xây dựng yêu cầu chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra và lối thoát hiểm là hành lang, cầu thang bộ theo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ.

Thời điểm cuối năm 2024, hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng... đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Đáng chú ý, phần lớn các vụ việc đều xảy ra tại nhà ống – loại hình nhà ở phổ biến tại đô thị Việt Nam. Những sự cố này không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn cướp đi nhiều sinh mạng, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc rà soát, cải tiến tiêu chuẩn xây dựng và đảm bảo lối thoát hiểm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, chia sẻ: Các tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở đặc biệt là nhà ống, đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều ngôi nhà tự phát hoặc cải tạo không đúng quy định. Điều này khiến các lối thoát hiểm không đảm bảo hoặc thậm chí không tồn tại. 

Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các tiêu chuẩn nhằm tăng cường an toàn cháy nổ.

Vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng: Bộ Xây dựng yêu cầu 100% nhà ống cần lối thoát hiểm thứ 2- Ảnh 1.

Vụ cháy quán hét trên đường Phạm Văn Đồng khiến 11 người tử vong, 5 người nhập viện là dạng nhà ống, cao 3 tầng và 1 tầng lửng. Ảnh: T.Đ

100% nhà ống cần có lối thoát hiểm thứ 2   

Sau vụ cháy ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) hay quận Tân Bình (TP. HCM) vừa qua, ông Vũ Ngọc Anh cho thấy có một số người nhảy sang bên cạnh, việc này rất nguy hiểm. Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được đề cập là việc bắt buộc nhà ống phải có ít nhất một lối thoát hiểm thứ hai, chẳng hạn như lối thoát trên sân thượng hoặc cửa sổ thoát hiểm có thể tiếp cận.

Ông chia sẻ, các tiêu chuẩn về xây dựng nhà ở không mang tính bắt buộc nhưng khuyến nghị nên áp dụng để đảm bảo được tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, giảm thiểu được những rủi ro không đáng có.

Cụ thể, với nhà sử dụng để ở, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn (cửa ra) và đường thoát nạn (gồm hành lang, cầu thang bộ) để toàn bộ người trong nhà thoát được ra bên ngoài. Trường hợp không bố trí được thêm lối thoát thì cần phải tối thiểu có 1 lối ra khẩn cấp để lên sân thượng, mái nhà để lánh nạn tạm thời.

Vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng: Bộ Xây dựng yêu cầu 100% nhà ống cần lối thoát hiểm thứ 2- Ảnh 2.

Một vụ cháy xảy ra ở phố Định Công Thượng (Hà Nội) khiến 4 người tử vong. Ảnh: A.L

Với nhà ống kết hợp kinh doanh, nếu nhà cao 2 tầng, số người tại mỗi tầng không quá 20 người, chủ nhà cần bố trí tối thiểu một lối ra thoát nạn từ tầng 2 qua cầu thang bộ. Nhà từ 3 tầng trở lên cần có tối thiểu hai lối ra thoát nạn từ mỗi tầng.

Nếu trong nhà bố trí khu vực có nguy cơ phát sinh cháy cao (khu để ôtô, xe máy, xe điện hay hàng hóa, đồ đạc bằng chất hoặc vật liệu dễ bắt cháy...) thì nơi có lối ra thoát nạn phải ngăn cách với khu vực này.

Ngạt khói là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Do vậy, ông khuyến cáo không được xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng thì nên lắp đặt các lỗ cửa thoát khói trong nhà thông qua mái, hoặc thoát khói trực tiếp ra bên ngoài tại các tầng.

Vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng: Bộ Xây dựng yêu cầu 100% nhà ống cần lối thoát hiểm thứ 2- Ảnh 3.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) đề nghị 100% nhà ống cần có lối thoát hiểm thứ 2. Ảnh: A.H

Về phương tiện chữa cháy, ở mỗi tầng, các gia đình nên có tối thiểu một bình chữa cháy, đặt ở nơi thuận tiện cho việc sử dụng; khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động, phương tiện bảo hộ,...

Ngoài các tiêu chuẩn trên, ông Ngọc Anh cũng cho rằng cần có thêm giải pháp để kiểm soát nguồn cháy. Ông đánh giá, tại Hà Nội, 75% các vụ cháy đều đến từ sự cố thiết bị điện. Do đó, ông đề nghị các khu vực để xe máy hoặc sạc xe điện thì cần phải ngăn cách riêng với khu vực sinh hoạt trong nhà.

Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 70% nhà ở dạng ống với ba mặt tường kín, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình còn dựng khung sắt bao kín giống như chuồng cọp khiến việc thoát nạn khi gặp cháy trở nên khó khăn hơn.

Vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng: Bộ Xây dựng yêu cầu 100% nhà ống cần lối thoát hiểm thứ 2- Ảnh 4.

Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình còn dựng khung sắt bao kín giống như chuồng cọp khiến việc thoát nạn khi gặp cháy trở nên khó khăn hơn. Ảnh: D.L

Về nguyên tắc kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng, Chuyên gia kiến trúc đô thị cho biết: Với công trình nhà ở riêng lẻ cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí thì cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm dù có là nhà trong ngõ nhỏ, diện tích nhỏ, nhà đất liền kề.

Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra vào. Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để có thể tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt.

KTS Tùng khuyến cáo.

Theo KTS, các hộ dân ở gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng với quy mô khoảng 10 hộ để tạo khoảng trống thoát hiểm trên sân thượng. Như vậy đúng với truyền thống dân ta, hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau hay bán anh em xa, mua láng giềng gần.

Các tổ dân phố nên phát động sự "liên minh" này, phối hợp của các hộ gia đình để tăng cường bảo đảm an toàn cháy nổ.

Một số chuyên gia về xây dựng, đô thị nhận định: Phần lớn người dân đều không quan tâm đến làm lối thoát hiểm trong nhà. Để người dân quan tâm hơn thid ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, vận dụng lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cần có giải pháp thoát hiểm.

Tham khảo thêm