Là xã miền núi nằm ở phía nam của huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Yên Bài có 40% dân số là người dân tộc thiểu số. Với 80% người dân sinh sống bằng nghề nông nên đời sống của nhân dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, để giúp hội viên, phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã đã hỗ trợ thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình, tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ.... tập trung duy trì hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Bính - Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Bài cho biết: Để triển khai câu lạc bộ “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, hội đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; giao chỉ tiêu giúp đỡ thoát nghèo, cận nghèo cụ thể cho các chi hội. Ngoài ra, chi hội phụ nữ còn phân công trách nhiệm cho từng cán bộ hội giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo trong năm bằng các hình thức như: giúp cây, con giống, vay vốn, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật và chăn nuôi, trồng trọt… để các hộ nghèo có điều kiện và thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Song song với đó, Hội nữ xã còn tận dụng nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, một số ngân hàng thương mại để cho gần 500 hội viên vay phát triển kinh tế.
“Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo là đối tượng ưu tiên trong xây dựng, thiết kế chính sách của địa phương. Vì thế, khi triển khai các chương trình giảm nghèo chúng tôi thường sẽ lồng ghép với các chính sách bình đẳng giới tăng quyền thụ hưởng cho phụ nữ”, bà Bính nói.
Do thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Ba Vì giảm từ 1,43% (năm 2019) xuống còn 0,34% (năm 2024), bình quân giảm 0,22%/năm; huyện Ba Vì quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo.
Hiện nay ngoài những hoạt động kết nối, tạo việc làm, cho vay vốn, Hội phụ nữ xã Yên Bài còn đẩy mạnh các hoạt động kết hợp với các đơn vị khác tổ chức mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật, hộ có thu nhập thấp, nữ thanh niên..., tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.
"Phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo được Hội phụ nữ xã triển khai từ năm 2018, bước đầu có hiệu quả, đã hỗ trợ giúp đỡ được 6 phụ nữ khởi sự kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng với tổng tiền là 350 triệu đồng. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế được được triển khai thực hiện sáng tạo với nhiều mô hình thiết thực hiệu quả, tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa.
Cụ thể, được sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, tháng 4/2014 tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa được thành lập với tổng số 30 thành viên. Ban đầu tổng số bò mới có 89 con, qua một thời gian hoạt động được sự quan tâm hỗ trợ về vốn, tới nay, tổng số bò của tổ hợp tác đã tăng lên gần gấp 3 khiến thu nhập tăng lên đáng kể từ đó, giúp chị em có tiếng nói hơn trong gia đình.
Để hỗ trợ nữ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm kinh tế, giảm nghèo bền vững, xã phát động phong trào "tương thân, tương ái" giúp nhau không lấy lãi, có gì giúp nấy từ tiền tới cây, con giống.
“Ngoài ra, Hội phụ nữ còn vận động các nguồn lực giúp xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, chị em yếu thế cũng như tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm tặng học bổng, trao quà khuyến học cho con em phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên học tốt", chị Bình nói.
Đặc biệt, thời gian qua Hội cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể giúp phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo của từng năm. Tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tích cực và chủ động khai thác nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ nghèo; hỗ trợ vốn kết hợp với dạy nghề cho hội viên, phụ nữ.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động các doanh nghiệp nữ hỗ trợ vốn, con giống, nhằm tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ.
Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác hỗ trợ, kết nối tạo việc làm cho phụ nữ, cũng như hỗ trợ toàn diện mà nhiều nữ nông dân thuộc hộ nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Đây là thành quả lớn nhất mà xã Yên Bài đạt được.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Vì đánh giá cách Yên Bài đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhất là trong hoạt động giảm nghèo có tính tới vấn đề bình đẳng giới. Theo đó, những người nghèo, người cận nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn là phụ nữ được ưu tiên trong thiết kế chính sách. Nhờ vậy, nữ nông dân thuộc diện hộ nghèo đã được chắp thêm động lực để vươn lên làm kinh tế, giảm nghèo bền vững.