Hôm nay (24/12), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.308 VND/USD, tăng 57 đồng so với hồi đầu tháng 12. Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.092 – 25.523 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng mạnh lên mức đỉnh mới. Cụ thể, Vietcombank - nhà băng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống hiện niêm yết tỷ giá ở mức 25.193 - 25.523 VND/USD.
Như vậy, tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá USD tại Vietcombank đã tăng khoảng 60 đồng. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank đã tăng khoảng 1.103 đồng, tương ứng tăng quanh mức 4%.
Cùng thời điểm, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng ở mức 107,9. Đà tăng của đồng bạc xanh diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang thực hiện động thái cắt giảm lãi suất như dự kiến. Đồng thời cho biết sẽ làm chậm lại tốc độ của chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới.
Cụ thể, Fed đã đưa lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,25-4,5%, tức hạ 25 điểm cơ bản (0,25%). Đây là lần giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp năm nay.
Trong bối cảnh đó, tại tuần từ ngày 16-23/12, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 53.223 tỷ đồng, ở 3 kỳ hạn 7 ngày (19.443 tỷ đồng); 14 ngày (24.500 tỷ đồng) và 28 ngày (5.580 tỷ đồng). Lãi suất ở 3 kỳ hạn đều cố định ở mức 4%/năm.
Ở chiều ngược lại, sau 4 ngày liên tiếp cho ngân hàng thương mại vay cố định 1.000 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 7 ngày, nhà điều hành đã tăng cường cho vay qua kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày trong phiên cuối tuần 20/12 và đầu tuần 23/12 với khối lượng lần lượt 10 ngàn tỷ đồng và 20 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, xét trong thời gian 16-23/12, nhà điều hành cho vay tổng cộng 34.000 tỷ đồng với lãi suất cố định 4%/năm, nhằm cấp thanh khoản cho các ngân hàng thương mại do yếu tố mùa vụ cuối tháng.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), không chỉ năm vừa qua mà những năm trước nữa, hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn luôn rất linh hoạt trong vấn đề tỷ giá.
Ngay khi tỷ giá có vấn đề, NHNN đã có những biện pháp như OMO để rút tiền về, có lúc lại yêu cầu ngân hàng thương mại bán ra USD để cân bằng thị trường. Động thái của NHNN luôn luôn nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, ông Đức chia sẻ, chúng ta phải nhìn nhận rằng, dù sao nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với thế giới. Một biến động bao trùm trên thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam. Do đó, chúng ta cần cái nhìn mang tính dài hơi và cẩn trọng hơn trước biến động khó lường.
"Khi thấy tấn công được, lập tức sẽ tấn công. Nhưng khi tấn công được, chúng ta sẽ tập trung đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt trong thời kỳ đầu năm khi Tổng thống tái đắc cử Donald Trump mới nhậm chức và chính sách vẫn chưa rõ ràng", ông Đức nói.
Về những tác động đối với thị trường chứng khoán, ông Đức cho rằng, câu chuyện tỷ giá trong năm 2025 như một "Black Swan" (Thiên Nga đen) mà nhà đầu tư cần chú ý. Dẫn ví dụ, ông Đức nêu, năm 2024, những đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 đều do tỷ giá.
Đối với sự kiện "Thiên Nga đen", ông Đức cho rằng, thứ nhất cần chuẩn bị kịch bản tích cực hơn dự đoán. Thứ hai, nếu thấy 5 con "Thiên Nga đen", nhà đầu tư cần thận trọng hơn: giảm bớt tỷ trọng đầu tư trong một số khoảng thời gian nhất định.
"Xu thế là đi lên và tích cực, nhưng trong một số thời gian nhất định chúng ta có thể bán bớt, dành khoảng 30% danh mục. Margin thì bán bớt phần margin, không thì bán khoảng 30% cho từng đợt điều chỉnh ngắn", vị chuyên gia khuyến nghị.
Thứ ba, ông Đức cho rằng, rất khó để đoán biết thị trường lên xuống như nào. Do đó, thay về tập trung vào lướt sóng, nhà đầu tư cần tập trung vào phân bổ, đưa ra sự phân bổ theo mô hình Goldman Sachs.
Trong năm tới, nếu thị trường định giá thấp, trong trường hợp tăng trưởng nhanh, nhà đầu tư có thể phân bổ thêm dòng tiền vào nhóm công nghệ, công nghiệp hay hàng xa xỉ. Ngược lại, nhà đầu tư thận trọng có thể tập trung vào bán lẻ, chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm, đồ uống.
Ông Đức phân tích thêm: Nhìn nhà đầu tư hiện nay, có vẻ mọi người đang thận trọng nhiều hơn là tích cực. Gần đây, nhóm chăm sóc sức khỏe tăng rất tốt. Cổ phiếu DBD, DHG, IMP đều rất tích cực. Thực phẩm, đồ uống cũng tăng rất tốt (như SAB) hay bán lẻ cũng hồi phục.
Đáng chú ý, dữ liệu thống kê cho thấy, chứng khoán luôn tăng trước lễ Noel và 3 đến 5 ngày làm việc đầu tiên sau năm mới. Đây là chu kỳ hoàn toàn có thể dự đoán được, với xác suất thành công 70%.
Lý giải về vấn đề này, CEO VPBankS cho biết, trước lễ Noel, có rất nhiều đợt tái cơ cấu của các ETF. Khi tái cơ cấu xong, các quỹ phải mua lại cổ phiếu. Bên cạnh đó, tâm lý nghỉ lễ bao giờ cũng là tâm lý tích cực. Ở nước ngoài có lễ Noel thì Việt Nam có Tết Âm lịch. "Ở Việt Nam, 80% trước Tết Âm thì chứng khoán tăng điểm", ông Đức nói.
Vừa qua, nhóm phân tích VinaCapital cũng đưa ra nhận định cập nhật mới, kỳ vọng vào nhóm bán lẻ, thực phẩm và tiêu dùng nội địa nhưng khá thận trọng với công nghiệp và xuất khẩu. Năm sau, xuất khẩu dự báo có sự thay đổi rõ rệt và nhà đầu tư cần tập trung vào những doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế nội địa.