Ngày 24/12, tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ Bộ Công an, bị yêu cầu trả lời về hành vi "Che giấu tội phạm" khi hướng dẫn Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa, khai báo theo hướng chối tội, cản trở điều tra.
Hồ sơ thể hiện, ngày 19/7/2022, cơ quan điều tra triệu tập Tuấn làm việc nhưng bị cáo Thông gọi điện đến, giới thiệu "đang công tác tại Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương" và đề nghị điều tra viên cho Tuấn được lùi thời gian làm việc vào ngày khác.
Bị cáo Thông còn gặp Tuấn cùng một số người khác tại một quán ăn gần trụ sở Bộ Công an và hướng dẫn Tuấn khai báo theo hướng có lợi khi làm việc với Cơ quan điều tra. Khi đó, Tuấn thừa nhận đã cầm hơn 10 tỷ đồng của Phạm Bích Hằng, bị can giai đoạn một của vụ án "Chuyến bay giải cứu", để đưa hối lộ cho những người có thẩm quyền và xin thủ tục tổ chức chuyến bay.
Ông Thông và những người có mặt cùng thảo luận rồi thống nhất Tuấn không được khai về số tiền nhận của Hằng để đi đưa hối lộ. Ông Tuấn cần khai gian dối rằng đã "trả lại hết cho Hằng bằng tiền mặt". Những nội dung khác Tuấn cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau với mục đích sẽ tìm cách khai theo hướng khác.
Sau khi khai báo theo hướng dẫn của ông Thông, Tuấn còn bỏ trốn đến ngày 25/11/2022 mới bị bắt tại Thừa Thiên - Huế. Sau đó, Tuấn vẫn tiếp tục khai báo gian dối nhằm che giấu hành vi phạm tội. Cơ quan tố tụng đánh giá, việc này gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra. Trong giai đoạn 1 vụ "Chuyến bay giải cứu", Tuấn bị phạt 18 năm tù về hành vi lừa đảo và đưa hối lộ.
Tại tòa hôm nay (24/12), bị cáo Thông khai trao đổi nội dung vụ án với Tuấn: "Không phải là tư vấn mà chỉ là những câu chuyện bình thường của anh em trong bữa ăn".
Ông không phủ nhận các cáo buộc của cơ quan truy tố, cho hay không nhớ gì "về bữa ăn hôm đó với Tuấn". Chỉ khi điều tra viên "lôi ra" các bằng chứng, ông Thông mới nhớ lại.
Chủ tọa hỏi: "Bị cáo đã tư vấn những gì trong bữa ăn đó cùng Tuấn?". Thông khai bản thân không nói trực tiếp với Tuấn mà tất cả anh em tại bữa ăn cùng "bàn tán, nói ra nói vào" quanh việc Tuấn nhận tiền "của ai đó" rồi trả lại.
Chủ tọa ngắt lời, cho rằng bị cáo không những che giấu tội phạm mà còn xin Cơ quan điều tra cho Tuấn hoãn lại thời gian làm việc. Bị cáo cũng giúp Tuấn chạy một vài giấy cấp phép chuyến bay nên bữa ăn đó không phải ngẫu nhiên, "đừng tưởng thích khai thế nào cũng được".
Sau khi nêu lại hồ sơ vụ án, chủ tọa hỏi tiếp: "Tôi biết bị cáo từng là cán bộ công an nhưng khai báo sự thật phải khách quan. Bị cáo nhận thức thế nào về hành vi phạm tội?".
Bị cáo Thông đáp, bản thân từng là cán bộ công an được đào tạo bài bản trong ngành nhưng "chỉ vì câu chuyện anh em" mà đã mất hết nên xin thừa nhận các sai phạm và mong tòa xem xét cho có cơ hội để sửa chữa sai lầm.
Chiều 24/12, Viện KS đã luận tội và đề nghị mức án với 17 bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2:
Tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
- Bị cáo Trần Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên: 7-8 năm tù tội Nhận hối lộ, 5-6 năm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hình phạt 12-14 năm.
Tội Nhận hối lộ:
1. Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt: 2-3 năm tù;
2. Lê Thị Phượng, nguyên chuyên viên Phòng Khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương: 24-30 tháng tù;
3. Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam: 18-24 tháng tù;
4. Lê Ngọc Tường, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam: 18-24 tháng tù;
5. Nguyễn Mạnh Trường, nguyên chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải: 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
Tội Đưa hối lộ:
1. Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải: 3-4 năm tù;
2. Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet: 2-3 năm tù;
3. Đặng Nhật Đức, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan: 3-4 năm tù;
4. Bùi Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du ngoạn thế giới: 2-3 năm tù;
5. Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ du lịch Ánh Sao Thiên: 2-3 năm tù;
6. Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR: 2-3 năm tù;
7. Trần Thị Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel: 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
8. Trần Minh Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy: 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
9. Trần Thanh Nhã, lao động tự do: 3-4 năm tù;
10. Vũ Hoàng Dũng, lao động tự do: 2-3 năm tù;
Tội Che giấu tội phạm:
Bị cáo Nguyễn Xuân Thông, nguyên cán bộ công an: 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Sáng 24/12, bà trùm buôn ma túy xuyên quốc gia Oanh "Hà" cùng 34 đồng phạm chính thức hầu tòa.
Kiểm soát an ninh phiên tòa xét xử bà trùm buôn ma túy xuyên quốc gia Oanh "Hà". Clip: Chinh Hoàng
Hình ảnh bà trùm buôn ma túy xuyên quốc gia Oanh "Hà" tại tòa. Clip: Chinh Hoàng
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đúng 8h các bị cáo được lực lượng chức năng áp giải đến phiên tòa. An ninh phiên tòa được thắt chặt, chỉ có những người có nghĩa vụ liên quan mới được vào bên trong.
Đây là vụ án ma túy có quy mô đặc biệt lớn, với tổng khối lượng tang vật hơn 626kg. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 30/12, có sự tham gia của 30 luật sư bào chữa và 11 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, Vũ Hoàng Oanh (Oanh "Hà") được xác định là kẻ cầm đầu đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về Việt Nam. Là chị ruột của "bà trùm" Dung "Hà" – nhân vật khét tiếng trong giới giang hồ Hải Phòng, Oanh đã tiếp tục hoạt động phạm tội với quy mô lớn sau khi mãn hạn tù năm 2009. Từ năm 2019 đến 2022, bà này tổ chức vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác để tiêu thụ.
Cáo trạng nêu rõ, để che giấu hoạt động phạm tội, Oanh "Hà" thuê một casino gần biên giới Campuchia làm nơi điều hành. Đường dây này sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giấu ma túy trong container hàng hóa, dạ dày heo, hạt nhựa và hộp số ô tô cũ. Đặc biệt, các đối tượng liên lạc và chỉ đạo qua mạng xã hội Signal, dùng sim điện thoại nước ngoài, cùng các biệt danh như "Colombia", "Mosscau". Một số mã hiệu đặc biệt, như số sê-ri trên tờ tiền, cũng được dùng làm mật khẩu để giao nhận ma túy.
Nguyễn Văn Nam (34 tuổi, ngụ Hải Phòng) là một trong những đồng phạm quan trọng của đường dây. Nam khai nhận đã vận chuyển hơn 384kg ma túy các loại và được trả công từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi chuyến, tùy theo khối lượng. Tổng cộng, Nam nhận được 15,5 tỷ đồng từ Oanh.
Một đồng phạm khác, Nguyễn Anh Bảo Quốc, được giao nhiệm vụ thuê kho tại TP.HCM để cất giấu ma túy trong các thiết bị ngụy trang. Cơ quan điều tra còn xác định đường dây đã thực hiện 129 chuyến vận chuyển ma túy với quy mô hàng tấn, chủ yếu từ khu vực Tam giác vàng qua biên giới tiểu ngạch về Việt Nam.
Ngày 24/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này vừa bắt giữ đối với Nguyễn Trọng Luận (SN 1990, trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) về tội "Mua bán bộ phận cơ thể người".
Trước đó, qua tiếp nhận nguồn tin từ đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tiến hành xác minh, điều tra phát hiện hành vi phạm tội của Nguyễn Trọng Luận.
Từ tháng 2/2023 đến nay, Nguyễn Trọng Luận liên lạc với người có nhu cầu mua và bán thận trong toàn quốc qua số điện thoại cá nhân. Sau khi thỏa thuận giá mua và bán thận, Luận sắp xếp cho người bán thận di chuyển đến lưu trú gần Bệnh viện Trung ương Huế làm các thủ tục xét nghiệm phục vụ ghép thận.
Khi các thủ tục xong xuôi và người bán vào phòng phẫu thuật, Luận sẽ chuyển hết tiền đã thỏa thuận cho người bán.
Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận đối tượng này mua 1 quả thận từ người bán với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng sau đó môi giới bán cho người mua với giá từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng.
Khi đối tượng đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.
Hành vi của đối tượng Luận có dấu hiệu tội "Mua bán bộ phận cơ thể người" theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự.
Ngày 24/12, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can đối với Lê Văn Tuấn (SN 1984), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, Lê Kỳ Phùng (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Nguyễn Huỳnh (SN 1975), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Vũ Kim Điền (SN 1977), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Nguyễn Đức Minh (SN 1976), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền bị bắt cùng tội danh.
Theo Cơ quan điều tra, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng và chưa đủ điều kiện bán đất nền tại khu B và khu C của dự án trên.
Tuy nhiên, Công ty Giang Điền vẫn trực tiếp thông qua các công ty môi giới bất động sản để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết hợp đồng bán đất nền tại dự án.
Bên cạnh đó, công ty này còn tổ chức các sự kiện với quy mô lớn, tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng, đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật về pháp lý dự án để khuyến khích khách hàng mua đất nền, xây nhà mẫu.
Đồng thời, công ty còn cam kết sau khi ký hợp đồng từ 12-24 tháng sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, sau khi các khách hàng tiến hành ký hợp đồng và thanh toán tiền cho công ty theo tiến độ mà phía công ty đã yêu cầu.
Công an xác định, từ năm 2010-2018, Công ty CP Du lịch Giang Điền đã ký kết khoảng 1.267 hợp đồng mua bán đất nền tại dự án với các khách hàng, nhà đầu tư để thu lợi số tiền đặc biệt lớn - hơn 1.000 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thông báo, các khách hàng đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền nhanh chóng liên hệ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai gặp ĐTV Đức Hùng, SĐT 0908.498.698 để được hướng dẫn giải quyết.
Khoảng 22h ngày 23/12, trong lúc tuần tra, kiểm soát trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, tổ tuần tra thuộc Đội CSGT Công an TP.Quảng Ngãi phát hiện xe ô tô 76A-154… có dấu hiệu vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.
Tuy nhiên, tài xế đã bất chấp tín hiệu, tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao. Sau gần 5 phút truy đuổi, khi thấy tổ công tác áp sát, đối tượng đã mở cửa xe tẩu thoát, bỏ mặc phương tiện không người điều khiển lao thẳng vào 1 tổ công tác ở phía trước. Lúc này, đại úy Phạm Bá Tĩnh và thượng úy Trịnh An Nhàn trong tổ công tác đã nhanh trí né tránh và tiếp tục đuổi theo bắt đối tượng. Trong lúc truy bắt giữa đêm tối và trời mưa, mặc dù bị thương tích ở chân đại úy Phạm Bá Tĩnh và thượng úy Trần An Nhàn đã khống chế bắt đối tượng sau 1km truy đuổi.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận là Nguyễn Hồ Thanh Hiên (SN 2003; HKTT: Tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi). Đối tượng đã khai nhận trước đó nhiều ngày có sử dụng ma túy. Tiến hành kiểm tra ô tô, phát hiện ở góc ghế lái xe có 1 viên nén màu xám và 1 túi màu đen ở khu vực gần hiện trường (bên trong có 5 túi nilông chứa tinh thể màu trắng và 20 viên ném màu xám).
Đối tượng khai nhận đây đều là ma túy mua lại để sử dụng và đã vứt bỏ lại trên đường trong lúc tẩu thoát. Lực lượng CSGT Công an TP.Quảng Ngãi đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Hồ Thanh Hiên về hành vi “Không có giấy phép lái xe” và V.L.M (SN 1983; HKTT: Tổ 4, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi - là chủ phương tiện) về hành vi “Để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông”.
Đội CSGT cũng đã bàn giao đối tượng Nguyễn Hồ Thanh Hiên cùng phương tiện, tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an thành phố tiếp tục điều tra làm rõ về việc số ma túy đối tượng khai nhận đang vận chuyển trên xe.