Bị thu hồi đất, cháu nguyên Bí thư Huyện uỷ tại Bình Định "đòi" bồi thường hơn 168 tỷ đồng

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 24/12/2024 07:51 AM (GMT+7)
UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) ra quyết định thu hồi đất vì cho thuê, cấp sổ đỏ không đúng đối với vợ nguyên chủ tịch huyện, cháu nguyên bí thư huyện. Gần 2 năm "đòi", đất vẫn chưa lấy được cho Nhà nước, thì huyện lại bị cháu nguyên bí thư "đòi" bồi thường thiệt hại 168,7 tỷ đồng, vợ nguyên chủ tịch "đòi" 9,5 tỷ đồng.
Bình luận 0

Số tiền huyện Vĩnh Thạnh bị "đòi" bồi thường, còn lớn hơn Tổng thu ngân sách nhà nước toàn huyện năm 2024 (thu ngân sách của huyện đạt 108,8 tỷ đồng).

Gần 2 năm huyện đi "đòi" vợ nguyên chủ tịch huyện, cháu nguyên bí thư huyện trả đất

Ngày 24/12, ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, từ tháng 3/2023 địa phương đã ra quyết định thu hồi đất cho thuê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cấp không đúng quy định, với một số trường hợp nguyên lãnh đạo huyện và người thân.

Theo đó, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã ra quyết định thu hồi đất đã cấp sổ và cho thuê không đúng quy định đối với gia đình nguyên Bí thư Huyện ủy, cháu nguyên Bí thư và vợ nguyên Chủ tịch UBND huyện.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có gia đình nguyên Bí thư huyện trả lại hơn 138ha đất rừng phòng hộ cho Nhà nước, còn cháu nguyên Bí thư và vợ nguyên Chủ tịch UBND huyện chưa chịu trả đất, dù huyện mất gần 2 năm đi "đòi" và dùng nhiều biện pháp vận động, đối thoại.

Bị thu hồi đất, cháu nguyên Bí thư tại Bình Định "đòi" huyện bồi thường hơn 168 tỷ đồng- Ảnh 1.

Khu đất mà vợ ông Trần Công Sý - nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) từng được UBND huyện Vĩnh Thạnh cho thuê không đúng quy định vào năm 2014, đến tháng 3/2023 thì bị huyện thu hồi. Ảnh: DT.

Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, đến nay huyện đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ và thu hồi đất đối với 3 cha con ông Nguyễn Đình Kim - nguyên Bí thư Huyện ủy, tổng diện tích hơn 138ha đất rừng phòng hộ. Trong đó, hộ ông Kim được giao (85ha); 2 con trai Nguyễn Đình Sơn (30ha), Nguyễn Đình Ngân (hơn 23ha).

Quyết định thu hồi đất thuê và sổ đỏ, đối với bà Võ Thị Ánh Nhạn, vợ ông Trần Công Sý - nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (gần 0,8ha) và ông Nguyễn Chí Tranh - cháu ông Nguyễn Đình Kim (khoảng 10ha).

Cháu nguyên bí thư huyện "đòi" huyện bồi thường hơn 168 tỷ đồng tiền xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng

Vẫn theo ông Thông, với trường hợp bà Võ Thị Ánh Nhạn, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất và yêu cầu dừng mọi hoạt động với khu đất gần 0,8ha. Đây là đất di tích, thắng cảnh được UBND huyện cắt cho thuê để xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí, thể thao và ví như "đất vàng" nằm ngay trung tâm huyện.

Đến nay, bà Nhạn đã uỷ quyền cho người khác làm việc với chính quyền và vẫn chưa chịu trả lại sổ đỏ, chưa bàn giao đất lại cho Nhà nước. Ngoài ra, người được uỷ quyền đã yêu cầu bồi thường khi thực hiện thu hồi đất, với số tiền 9,5 tỷ đồng.

Với trường hợp ông Nguyễn Chí Tranh, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất và yêu cầu dừng mọi hoạt động với khu đất khoảng 10ha, nhưng ông Tranh vẫn chưa chịu trả lại sổ đỏ, chưa bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý và đưa ra yêu cầu bồi thường 168,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo của ông Tranh gửi UBND huyện Vĩnh Thạnh, 168,7 tỷ đồng là chi phí ông bỏ ra để xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Vĩnh Thạnh, sau khi được UBND huyện cho thuê đất từ năm 2015. Trong đó, chi phí cơ hội 50 tỷ đồng, marketing 20 tỷ đồng...và nhiều khoản chi phí khác.

Qua điện thoại, ông Tranh cho biết, mình làm theo đúng theo pháp luật. Ông từ chối trả lời các vấn đề có liên quan và đề nghị phóng viên làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh.

Bị thu hồi đất, cháu nguyên Bí thư tại Bình Định "đòi" huyện bồi thường hơn 168 tỷ đồng- Ảnh 2.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Vĩnh Thạnh (Bình Định), đã bị thu hồi đất do UBND huyện Vĩnh Thạnh cho thuê đất không đúng quy định từ năm 2015. Ảnh: DT.

Nếu so sánh thì số tiền 168,7 tỷ đồng mà huyện Vĩnh Thạnh bị "đòi" bồi thường, còn lớn hơn Tổng thu ngân sách nhà nước toàn huyện năm 2024 (thu ngân sách huyện đạt 108,8 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh khẳng định: "Đây mới chỉ là kê khai và yêu cầu bồi thường xuất phát một phía, từ người bị thu hồi đất. Theo quy định, hồ sơ cần làm đúng theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Sau đó, UBND huyện sẽ thành lập hội đồng hoặc thuê đơn vị độc lập để xác định giá trị tài sản thực tế, từ đó mới có cơ sở bồi thường".

Huyện muốn "cắt" điện…vì không thể rề rà mãi được

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, 2 khu đất UBND huyện cho vợ nguyên chủ tịch, cháu nguyên bí thư huyện thuê làm dự án lần lượt vào các năm 2014, 2015, đã bị thanh tra tỉnh kết luận, huyện cho thuê không đúng quy định.

Từ tháng 3/2023, huyện này đã có quyết định thu hồi, song đến nay trên 2 khu đất này vẫn sản xuất kinh doanh và cố tình trì hoãn việc bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, với lý do "lỗi thuộc về Nhà nước thực hiện không đúng thẩm quyền".

Từ đó đến nay, đơn vị cung cấp điện là Điện lực Phú Phong, Công ty CP tổng hợp Vĩnh Thạnh, vẫn chưa ngừng cấp điện đối với các cơ sở, hộ kinh doanh bị Nhà nước thu hồi đất.

Ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, huyện vừa có văn bản đề nghị Sở Công Thương tỉnh Bình Định, yêu cầu Điện lực Phú Phong, Công ty CP tổng hợp Vĩnh Thạnh, ngừng cung cấp điện đối với trường hợp cơ sở kinh doanh, đã bị Nhà nước thu hồi đất.

"Tổ công tác của huyện đến hiện trường đo đạc, kiểm kê tài sản trên phần đất dự án. Từ đó, sẽ họp rà soát, thẩm định và làm việc với người bị thu hồi đất, để thống nhất việc bồi thường theo quy định. Tới đây, phải làm quyết liệt, không thể rề rà, để lâu được nữa. Song song với thu hồi đất, huyện đã quy hoạch 1/500, để kịp kêu gọi đầu tư", ông Trung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem