Những ngày cuối năm 2024, khi mùa hồng tại Lâm Đồng đã dần vào cuối vụ, xưởng làm hồng treo gió của gia đình ông Trần Phú Lộc vẫn nhộn nhịp.
Mỗi công đoạn như gọt vỏ, treo hồng lên giàn, phân loại hồng thành phẩm đều có 2 - 3 người làm việc liên tục.
Đến nay, những cây hồng trứng tại TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã hết mùa nên ông Lộc phải thu mua hồng vuông tại huyện Đơn Dương để làm hồng treo gió.
Dẫn phóng viên vào trong khu xưởng, ông Lộc cho biết, trước đây, ông là Giám đốc Công ty Rượu bia Đà Lạt. Đến năm 2013, ông Lộc về hưu nghỉ theo chế độ.
"60 tuổi, nghỉ hưu nhưng mình vẫn thấy khỏe, tôi muốn làm một cái gì đó đặc biệt cho TP. Đà Lạt. Thời điểm đó, tại Đà Lạt thì hồng treo gió đã là một đặc sản nhưng sản lượng đưa ra thị trường còn rất ít. Vì vậy, tôi đã quyết định "khởi nghiệp" với hồng treo gió", ông Lộc chia sẻ.
Cũng theo ông Lộc, thời điểm đó, Dự án JICA tại Lâm Đồng thấy người dân chặt bỏ nhiều diện tích trồng hồng, vì vậy tổ chức này đã làm việc để đưa người Việt Nam qua Nhật Bản học làm hồng treo gió theo công nghệ của họ.
Đến nay, hồng treo gió của ông Lộc đã được xếp hạng OCOP 4 sao.
Tuy nhiên, những người được qua Nhật Bản học về làm lại không thành công do khác biệt về khí hậu, điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, công nghệ do Nhật Bản chuyển giao lại không thể áp dụng 100%. Đó là lý do nghề làm hồng treo gió vào những năm đó chưa thịnh hành, ít người làm thành công.
Tự kiểm tra những dây hồng treo trong xưởng của mình, ông Lộc nói: "Khi tôi liên hệ để được đi Nhật Bản học làm hồng treo thì dự án đó đã hết.
Trước đây tôi có quen một giáo sư làm việc tại Trường Đại học Đà Lạt nên đã nhờ vị này giới thiệu để được qua Nhật Bản học làm hồng treo. Kinh phí đi lại, ăn ở, thông dịch viên hết khoảng 200 triệu đồng đều do tôi tự túc.
Trước khi đi Nhật Bản học chính thức, tôi đã liên hệ được những người đi học trước đó để nắm rõ quy trình và cách thức làm hồng treo ở Nhật Bản. Chính vì thế, chỉ sau khoảng 15 ngày học, tôi đã có thể về Việt Nam và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng công nghệ của họ".
Khách du lịch thích thú tham quan quy trình làm hồng treo gió trong xưởng của ông Lộc.
Sau khi đi học về, ông Lộc vẫn xác định việc "khởi nghiệp" của mình là 50/50, có thể thành công và cũng có thể thất bại. Ông quyết định đầu tư 1 tỷ đồng để nhập máy móc, công nghệ và xây dựng nhà xưởng để làm hồng treo gió.
Do mới làm nên năm đầu tiên, ông Lộc chỉ đưa ra thị trường khoảng 1 tấn hồng treo gió thành phẩm. Tuy nhiên, tín hiệu rất vui là sản phẩm ông đưa ra đều được mọi người đón nhận, đánh giá cao.
Đến nay, sau hàng chục năm gắn bó, ông Lộc đã đưa ra thị trường hàng chục tấn hồng thành phẩm mỗi năm. Sản phẩm hồng treo gió của ông cũng được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, là sản phẩm tiêu biểu quốc gia vào năm 2015.
Mỗi năm, ông Lộc đưa ra thị trường khoảng 15 tấn hồng treo gió thành phẩm.
"Hiện nay, hồng treo gió của cơ sở chúng tôi đã ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn hồng thành phẩm. Trong 1 năm thì thời gian làm hồng treo chỉ tập trung trong khoảng 4 tháng.
Do diện tích trồng hồng đã giảm, sản lượng cũng giảm theo nên việc thu mua hồng tươi làm nguyên liệu phải theo tiêu chí chọn quả đảm bảo độ chín (độ lớn của quả, độ già của quả). Có thời điểm, tôi phải mua hồng nguyên liệu với giá lên đến 35.000 đồng/kg", ông Lộc chia sẻ.
Hiện, hồng treo gió trong khu xưởng rộng gần 1.000m2 của ông ông Lộc được thực hiện theo quy trình chuẩn ông đã được học. Trái hồng tươi từ khi hái xuống được giữ cẩn thận để giảm tối đa tình trạng dập, vỡ.
Sau khi thu hoạch, hồng sẽ được đưa về xưởng rửa, để ráo nước, gọt vỏ giữ lại phần cuống rồi đưa đi khử khuẩn. Tiếp đó, hồng được treo lên dây để đưa vào khu vực khử khuẩn trong khoảng một tuần. Cuối cùng, hồng được treo từ 15-20 ngày rồi thu gom, đóng gói, hút chân không.
Ông Lộc cho biết, với công nghệ làm hồng treo gió của ông, nhiệt độ phải được duy trì ở mức dưới 30 độ C, độ ẩm duy trì dưới 70%. Vì thế, hệ thống máy móc trong nhà xưởng của ông phải được tự động, đảm bảo duy trì nhiệt độ, độ ẩm ở mức cho phép, hạn chế thấp nhất tổn thất.
Với công nghệ và chất lượng hồng treo gió làm ra, ông Lộc bán ra thị trường với mức giá từ 400-500 ngàn đồng/kg. Du khách có thể vào tham quan, nếm thử sản phẩm, tận mắt thấy quy trình sản xuất hồng treo gió rồi mới quyết định có mua hay không.
Nói về mô hình làm hồng treo gió của ông Trần Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND phường 3 (TP. Đà Lạt) cho biết, cách làm của ông Lộc đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống như bán hồng tươi, hồng ngâm và hồng khô. Không những thế, mô hình của ông Lộc còn giúp phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương khi có rất nhiều du khách đến tham quan quy trình làm hồng treo gió tại xưởng.