Nhắc đến Nam Định, người ta thường chỉ biết nơi đây nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt với lịch sử huy hoàng, vàng son mà ít ai biết rằng Nam Định còn khiến nhiều du khách "điêu đứng" bởi nét ẩm thực đa dạng, độc đáo. Bên cạnh phở, bánh xíu páo, xôi xíu… thì khi nhắc tới đặc sản Nam Định, du khách không thể bỏ qua món bún đũa. Bún đũa Nam Định là một món ăn dân dã và quen thuộc với người dân đất thành Nam.
Bún là món quen thuộc với người dân Việt Nam đã từ nghìn năm. Có biết bao món ăn từ bún như bún cá, bún riêu, bún đậu, bún bò… nhưng khi đến Nam Định, du khách nhất định phải thưởng thức món bún đũa đặc trưng này.
Bún đũa giản dị ngay từ cái tên. Sở dĩ có tên như thế bởi vì những sợi bún trong món ăn có hình dạng to tròn và dài như phần đầu của chiếc đũa. Cũng nhờ đặc điểm khác biệt này mà bún đũa sở hữu những sợi bún tuy mềm nhưng vẫn có được độ dai, chắc, không bị nhão, ăn rất thích, không cảm thấy ngán dù sợi to.
Bún đũa rất đặc biệt và dễ nhận biết như sợi bún to tròn như cái... đũa, ẩn hiện dưới lớp mỡ hành có màu vàng của gạch cua, màu trắng của giá và cọng rau xanh mướt.
Bún đũa là món ăn lành tính, không gây nặng bụng, một món ăn lót dạ có thể dùng ở bữa nào cũng được, hơn cách chế biến món ăn này lại đơn giản chứ không hề phức tạp. Chính vì thế, bún đũa rất hợp với nhiều người từ già tới trẻ, với nhiều người làm những nghề khác nhau. Một món ăn dân dã, không quá cầu kỳ nhưng đáp ứng được vị ngon và no, không biết từ bao giờ đã nổi tiếng khắp nơi.
Kết hợp cùng những sợi bún trắng tròn là nồi nước dùng với riêu cua đậm đà được ninh nấu kỹ lưỡng. Nước dùng của bún đũa bao gồm các thành phần như nước hầm xương gà, nước tôm khô, hành tây, đường phèn.
Để cho ra một tô bún đũa chuẩn Nam Định, không thể thiếu phần tôm khô ngâm mềm rồi đem đi xay nhuyễn. Nước ngâm tôm khô sẽ được tận dụng để nấu nước dùng, trong khi thịt tôm sẽ được trộn đều cùng thịt, cua, trứng gà, thêm mắm tôm và các loại gia vị vừa ăn.
Bún đũa thường được nấu cùng với nước dùng riêu cua vị đậm đà, thêm vào đó là rau cần hay rau muống, một đôi miếng giò tai và một rổ rau sống bên cạnh. Nồi nước dùng thành phẩm với phần riêu cua nổi lên óng ánh sắc vàng nâu từ gạch cua và mỡ hành đầy hấp dẫn, hòa cùng với đó là những miếng cà chua đỏ tươi tăng thêm phần bắt mắt.
Bát bún dậy mùi thơm lừng hấp dẫn, du khách có thể thêm chút ớt chưng hoặc ớt tươi nếu thích ăn cay.
Riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua do có cà chua, thơm dậy mùi của cua đồng. Màu nồi nước dùng có màu vàng óng hấp dẫn, màu của mỡ phi hành và gạch cua khêu từ mai cua. Màu sắc óng ánh, hấp dẫn, thơm và béo ngậy. Mặt nồi riêu luôn nổi chìm từng mảng gạch cua, mới trông đã thấy xôm xốp, mềm tan.
Ăn bún đũa không thể thiếu được một rổ rau sống. Rau sống thì cứ tùy ý, mùa nào thức nấy. Có thể là rau muống, rau cải, kinh giới, tía tô, mùi ta, húng láng, ngổ ba lá xanh rờn… thi thoảng còn có thể ăn cùng cả giá sống hay rau rút…
Những lớp riêu béo ngậy và sắc rau muống ẩn hiện che phủ một phần những sợi bún thuôn dài, nức lên mùi thơm lừng khiến người đi ngang không thể không ngoái lại. Đến khi ngồi gọi thử một tô để thưởng thức, cho vào miệng từng đũa bún, người dùng lại càng bị cuốn hút bởi hương vị nửa chua nửa ngọt độc đáo của nước dùng.
Bún đũa Nam Định là món ăn thích hợp cả bốn mùa, mùa nào ăn cũng thấy ngon thấy hợp. Trời nóng thì vị thanh thanh đậm đà. Trời lạnh thì nóng hổi thơm phức. Thưởng thức một bát bún đang bốc khói với những sợi bún trắng to, nổi bật trên những mảng gạch cua hồng hồng, một ít màu trắng của cọng giá và màu xanh của rau, húp một ít nước béo đậm đà kèm theo chút gia vị ớt khô chưng mỡ sẽ ngon dần đến rân rân, cảm giác vô cùng thú vị.
Về xứ Thanh Nam dạo quanh các chợ Ngõ Ngang, chợ Rồng hay phố Hàng Đồng, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức bát bún đũa riêu cua có vị chua thanh thanh nhẹ nhàng. Hơn cả mùa nào món ăn này cũng được ưa chuộng đến lạ bởi giá cả rất phải chăng, chỉ từ 30.000 – 45.000 đồng/bát.