Chia sẻ với Dân Việt, không ít chuyên gia đều cho rằng, rất ít khi thị trường bất động sản được chứng kiến liên tục những kỷ lục đấu giá đất được xác lập cao, liên tục như vậy.
Đầu tiên phải nhắc đến "chảo lửa" đấu giá hồi tháng 8/2024 tại huyện Thanh Oai, phiên đấu "mở bát" nghề đấu giá đất khi thu hút hơn 1.500 người tham dự, hơn 4.200 bộ hồ sơ. Giá trúng đấu giá dao động từ 51 triệu - hơn 100 triệu đồng/m2, cao gấp 6 - 8 lần giá khởi điểm. Điểm đáng chú ý là nhiều người đánh giá hạ tầng xung quanh khu vực đấu giá không "xứng" với mức giá hơn 100 triệu đồng/m2, cách trung tâm thành phố tới gần 30 km.
Mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 tại huyện Thanh Oai đã trở thành "cơn sóng thần" trong đấu giá đất. Thậm chí còn kéo giá đất những huyện khác lên mức không ngờ tới.
Tuy nhiên, tới thời hạn nộp tiền, 55/68 người trúng đấu giá lại âm thầm bỏ cọc, khiến mức giá trúng bị coi là ngáo giá, ảo giá, thổi giá.
Tiếp đó, 19 thửa đất lên sàn đấu giá tại huyện Hoài Đức. Giá trúng cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất cũng đạt 91,3 triệu/m2, gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Sau đó, UBND huyện Hoài Đức thông báo đã có 11/19 người hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền đấu giá đất, người trúng lô đất giá hơn 133 triệu đồng/m2 cũng đã nộp đủ theo thông báo của Chi cục Thuế.
Sau 2 tháng tạm hoãn theo chỉ đạo của Chính phủ, tới tháng 10/2024, các phiên đấu giá bắt đầu khởi động lại và tiếp tục diễn ra rất gay cấn. Chẳng hạn như 27 lô đất tại quận Hà Đông, có lô đất được trả giá lên tới hơn 262 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất đạt gần 133 triệu đồng/m2.
Gây sốc nhất là cú chốt giá 30 tỷ đồng/m2 tại đấu giá 58 thửa đất ở huyện Sóc Sơn vào cuối tháng 11 vừa qua làm rung động thị trường bất động sản.
Công an TP. Hà Nội xác định 5 đối tượng liên quan, trong đó có Phạm Ngọc Tuấn đưa mức giá "kỷ lục" 30 tỷ đồng/m2 đã bị cấu thành tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Ngoài những phiên đấu giá "nóng bỏng", TP. Hà Nội cũng ghi nhận hàng loạt địa phương tổ chức đấu giá đất như: Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh,... Những phiên đấu giá này đều thu về cho ngân sách nhà nước đến hàng trăm tỷ đồng/phiên.
Không chỉ dừng lại ở việc giá trúng đấu giá bị "thổi" lên mà những phiên đấu còn kéo dài cả chục giờ, thậm chí đến xuyên đêm.
Chẳng hạn như phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức kéo dài hơn 19 tiếng, từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút rạng sáng 20/8 mới kết thúc. Trải qua 9 vòng đấu giá, 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên mới tìm được chủ sở hữu.
Hay tại phiên đấu giá quận Hà Đông, kéo dài từ 8 giờ sáng đến gần 12 giờ đêm cùng ngày, tương ứng gần 16 tiếng.
Phần lớn những phiên đấu giá khác đều kéo dài khoảng 10 giờ nhưng độ "kịch tính, gay cấn" thì không giảm đi phần nào.
Sau các cuộc đấu giá đất gây xôn xao dư luận, Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng đấu giá đất, yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Không những vậy, cơ quan bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng,... đều đã nhiều lần lên tiếng về những bất thường trong đấu giá đất như đầu cơ thổi giá, bỏ cọc, lướt sóng,... gây nhiễu loạn thị trường.
UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá. Đặc biệt, các đơn vị tránh tổ chức đấu giá tại những khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Những khu đất như vậy có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc xây dựng công trình công cộng, góp phần hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia đề xuất cần phải nhanh chóng chấn chỉnh để đưa đấu giá đất về đúng bản chất của nó như: Lưu ý về quy định rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xác định mức tiền phải nộp lần đầu phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ cọc; Cấm sang tay, lướt sóng trong vòng 3 - 5 năm;...
Mới đây, theo báo cáo tham luận gửi Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường, UBND TP. Hà Nội cho biết, đã thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất sau 11 tháng. Số tiền thu được tương đương 74,08% kế hoạch Thành phố đặt ra cho năm nay.