Bất thường đấu giá đất huyện Hoài Đức: Giá trúng cao tạo hệ lụy xấu

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 24/08/2024 11:25 AM (GMT+7)
Phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức có giá trúng gấp hơn 18 so với giá khởi điểm đã gây xôn xao dư luận. Giới bất động sản nhận định mức giá 133,3 triệu đồng/m2 ở khu vực đồng không mông quạnh là phi thực tế và gây ra hệ lụy xấu.
Bình luận 0

Mức trúng đấu giá đất huyện Hoài Đức cao phi thực tế

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, tình hình đấu giá đất vùng ven Hà Nội đang vô cùng sôi động. Các huyện liên tục ghi nhận những mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, số lượng người tham gia cũng rất lớn. Đỉnh điểm là phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức với mức giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2.

Cụ thể, phiên đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức gây chấn động khi kéo dài xuyên đêm từ 9 giờ 19/8 đến 4 giờ 30 phút rạng sáng 20/8.

Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2, có 3 mặt tiền, diện tích hơn 113m2, tương đương với giá trị lên đến hơn 15 tỷ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần. Các lô đất còn lại có giá trúng đấu giá từ 91,3 - 127,3 triệu đồng/m2.

Đấu giá đất huyện Hoài Đức gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hội trường đấu giá đất huyện Hoài Đức ngày 19/8 vừa qua. Ảnh: CTV

19 lô đất đấu giá ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên đợt này nằm khá gần đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như hạ tầng xã hội đầy đủ, tiện nghi nhưng tại những nơi vừa có sự tăng giá đột biến về đất lại không có nhiều biến động về hạ tầng hay quy hoạch, thậm chí, khu vực xung quanh khu đất đấu giá chủ yếu là đất ruộng.

Đấu giá đất huyện Hoài Đức gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng - Ảnh 2.

Bên cạnh vị trí đất đấu giá ở Hoài Đức là các ngôi nhà lụp xụp, chuồng gia súc. Ảnh: Thái Nguyễn

Chị Ngọc Hoan, người tham gia phiến đấu giá đất huyện Hoài Đức đến lúc 23 giờ ngày 19/8 cho biết, thời điểm gần hết ngày số lượng người tham gia đã giảm đi 350 - 400 người. Tuy nhiên, chị Hoan cho biết khoảng 100 người còn lại đều rất quyết tâm, trong khi mức giá của 19 lô đất cũng trên dưới 100 triệu đồng/m2 nên chị đành ra về.

"Tôi xác định bỏ ra cao nhất cho các lô đất đấu ở mức 90 triệu đồng/m2 ngay từ đầu. Do đó, hết 6 vòng đấu bắt buộc đã có nhiều lô đất vượt mức 100 triệu đồng/m2, nên tôi thấy không đấu được nữa", chị Hoan chia sẻ.

Chị Hoan cũng cho biết, những người đấu thắng chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ các tỉnh lân cận. Và thường có đội, nhóm phía bên ngoài túc trực, nghe ngóng tình hình rồi tư vấn. Người dân đi đơn lẻ, có nhu cầu đấu giá đất để xây nhà ở thực có rất ít cơ hội chiến thắng.

Hệ lụy sau phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết đối tượng chịu hệ lụy từ phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức là thị trường, chính quyền và đặc biệt là người dân có nhu cầu ở thực khu vực này.

"Người dân là đối tượng chịu tác động lớn nhất khi họ phải đối diện với việc phải đi mua nhà đất bị đẩy giá, không đúng với thực tế. Còn với doanh nghiệp đầu tư họ cũng không dám vào khu vực đó bởi vì khi tạo mặt bằng giá mới thì đền bù cũng bị cao hơn, tiền sử dụng đất cao hơn sẽ khiến chi phí đầu tư lớn hơn", ông Đính chia sẻ.

Ông Đính cũng cho rằng, hệ lụy sau phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức còn tác động đến những đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nguyên nhân bởi tiền sử dụng đất tăng, giá thuê mặt bằng cũng sẽ bị đẩy lên và giá thành buộc phải cao hơn sẽ gây ra áp lực tăng giá bán. Điều này tác động xấu tới nền kinh tế - xã hội.

"Tôi nhận thấy cần phải tạm dừng các phiên đấu giá đất nhỏ, lẻ lại để thành phố kiểm tra, rà soát lại để ngăn chặn tình trạng trục lợi từ các phiên đấu giá. Tôi cũng kiến nghị cần có quy định bắt buộc phải xây nhà ở trên đất đấu giá thì sẽ làm tăng trách nhiệm và nghĩa vụ cho người tham gia", ông Đính kiến nghị.

Đấu giá đất huyện Hoài Đức gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng - Ảnh 3.

Kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc phải xây nhà ở trên đất đấu giá. Ảnh: Thái Nguyễn

Ngày 23/8 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện Thanh Oai và Hoài Đức. Trong đó, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xác định giá khởi điểm, đánh giá sự phù hợp giá - trúng đấu giá với giá đất thực tế trên thị trường. Điều kiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kiểm tra thực địa khu đất được đưa ra đấu giá và các nội dung liên quan khác.

UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại 2 huyện này, báo cáo thành phố trước ngày 25/8.

Sau phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức, nhiều địa phương vẫn tiếp tục tổ chức đấu giá đất. Trong đó, huyện Phúc Thọ dự kiến tổ chức đấu giá đất 30 thửa thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa TT8 khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc với mức giá khởi điểm từ 19,8 - 23,4 triệu đồng/m2. Thời gian dự kiến tổ chức vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 29/8.

Tiếp đó, ngày 30/8, 24 thửa đất đấu giá tại 2 xã Xuy Xá và Lê Thanh, huyện Mỹ Đức cũng sẽ lên sàn. Giá khởi điểm các thửa đất chỉ từ 2,3 - 3,5 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, ngày 8/9, huyện Thanh Oai dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 57 thửa đất tại khu vực Đầm thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Các thửa đất có diện tích 74 - 134 m2/thửa với giá khởi điểm 8,8 triệu đồng/m2. Trước đó, phiên đấu giá các thửa đất này phải hủy để xác định lại giá khởi điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem