Chiều 27/12, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Trong đó, xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,2 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10 tỷ USD, tăng 12%. Ngoài ra, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tại Hội nghị, thay mặt các doanh nghiệp thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP đã có những chia sẻ về kết quả xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2024.
Ông Nam khẳng định, để có được kết quả trên nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NNPTNT và lãnh đạo các Bộ (Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, NHNN….) đã luôn đồng hành và hỗ trợ ngành thủy sản trong suốt thời gian qua.
Theo ông Nam, năm 2024, nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu khan hiếm, cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu - ngành thủy sản Việt Nam với nhiều nỗ lực đã đạt được kết quả xuất khẩu khích lệ.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 đã quay lại mốc đạt trên 10 tỷ USD - không chỉ đóng góp vào kim ngạch chung của ngành nông nghiệp Việt Nam mà còn tạo dấu ấn trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Số liệu này chưa bao gồm hơn 250 triệu USD từ xuất khẩu bột cá, nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, ngành tôm đã đạt được mức xuất khẩu 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, mặc dù thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược tập trung thế mạnh hàng GTGT và đa dạng hóa các phân khúc sản phẩm (tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm, tôm biển...), ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì được sự cạnh tranh và phát triển ổn định.
Ngành cá tra, mặc dù đối mặt với các khó khăn như chi phí vận tải biển gia tăng và giá nhập khẩu phục hồi chậm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng quay lại mốc 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước. Những thị trường truyền thống như: Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia thuộc CPTPP đã trở thành động lực quan trọng giúp ngành cá tra phục hồi.
Trong khi đó, xuất khẩu hải sản khai thác (cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ và các loài cá biển khác) cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, mặc dù rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và các quy định IUU phải tuân thủ.
Cũng theo ông Nam, dù kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2024 rất ấn tượng, tuy nhiên ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.
Một trong những vấn đề nổi bật cần xem xét, đó là 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm (ngoại trừ 2022). Trong khi chiến lược phát triển ngành đến 2030 (ban hành theo QĐ 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021) với mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỷ USD vào năm 2030. Tức là phải giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số từ 10-15%/năm.
"Nhìn từ góc độ tăng trưởng của ngành rau quả, đặc biệt là trái sầu riêng, cảm giác xuất khẩu thủy sản cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới quá nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số", ông Nam nói, đồng thời dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỷ USD vào năm 2030, ông Nam đề xuất xây dựng chợ đấu giá (để bán được giá tốt nhất cho ngư dân) và tập trung được dữ liệu truy xuất nguồn gốc; Soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi).
Đồng thời soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài – đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư; Xem xét khơi thông xuất khẩu được con ruốc (không cần S/C, C/C) sang thị trường EU vì khai thác ruốc chỉ dùng thuyền thúng và gần bờ, tạo thuận lợi cho đời sống ngư dân.
Đặc biệt, có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn/doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới do ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Đối với nông dân: Cần rà soát các quy định pháp luật để người dân NTTS có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường; Cấp giấy phép mặt nước cho người dân (như dạng "sổ đỏ") để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.
Tập trung cho vấn đề về "con giống", trong đó, kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng; còn với giống cá tra cần phải có quy hoạch cho phát triển giống và có cơ chế ưu tiên cho người làm giống, thu hút các bên tham gia; Các tỉnh cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất/mặt nước cho NTTS, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.