Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) cho hay, thời gian qua và hiện tại thị trường xuất khẩu thanh long ra thế giới bị cạnh tranh rất khốc liệt.
Theo ông Hiệp, để phát triển sản xuất thanh long bền vững, nông dân, HTX phải áp dụng quy trình canh tác thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Áp dụng theo tiêu chuẩn này, nông dân sẽ cho ra nông sản sạch, những trái thanh long an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, không ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rộng đường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân…
"Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền mạnh hơn nữa về quy trình, hướng dẫn nông dân trồng thanh long sạch. Nông dân phải tuân thủ nghiêm những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực.
Việc bảo đảm các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất thanh long sẽ tạo điều kiện cho các HTX nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP. Thực tế đã chứng minh, những giấy chứng nhận trên là giấy thông hành giúp thanh long Bình Thuận rộng đường xuất khẩu ra thế giới…", ông Đỗ Thanh Hiệp chia sẻ.
Một điều quan trọng khác mà ông Hiệp muốn kiến nghị lên Thủ tướng cần có những tháo gỡ, để giúp bà con nông dân cùng nhau liên kết để phát triển mô hình du lịch canh nông.
Theo ông Hiệp, thời gian, HTX Thanh long sạch Hoà Lệ đã áp dụng mô hình du lịch canh nông cho những vườn thanh long của HTX. Nhờ những vườn thanh long sạch, vào mùa trái chín đỏ rộ đẹp mắt, nhiều đoàn khách trong, ngoài nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…) đến tham quan vườn, trải nghiệm ẩm thực các món ăn chế biến từ thanh long, giao lưu văn hóa vùng miền.
"HTX Hoà Lệ kiến nghị Thủ tướng, cơ quan chức năng hỗ trợ tư vấn pháp lý, cấp giấy phép cho đơn vị phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Nếu liên kết được việc này, đời sống của bà con nông dân sẽ được nâng lên, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn…", ông Đỗ Thanh Hiệp cho biết.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng kiến nghị Thủ tướng, các sở ngành hỗ trợ nguồn lực, nguồn tài chính, kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo phát triển kỹ năng marketing, quản trị website, hình ảnh… có nội dung quảng bá sản phẩm thanh long tươi, thanh long chế biến đến các khu du lịch để nâng cao chuỗi giá trị thanh long xanh cho các HTX thanh long sạch trong tỉnh Bình Thuận…
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ do Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tư vấn thành lập, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Hợp tác xã Thanh long Sạch Hòa Lệ ở số 67, đường Nguyễn văn Trỗi, KP Nà Bồi, TT Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận được thành lập vào ngày 24/07/2017 với 18 thành viên và 24 thành viên liên kết.
Năm 2024 HTX phát triển thêm thành viên chính thức và thành viên liên kết lên 42 thành viên.
Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của HTX là bán buôn thực phẩm, trồng cây ăn quả, chế biến, bảo quản rau quả, chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh (Rượu Thanh Long). Sản xuất rượu vang thanh long, sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng (nước cốt thanh long); Sản xuất các loại bánh từ bột (bánh quy thanh long), buôn bán đồ uống.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Hợp tác xã: Trồng trọt thanh long theo tiêu chuẩn Global G.A.P và thu mua, đóng gói, bảo quản, xuất khẩu thanh long tươi.
Chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long như: Rượu đế thanh long; Rượu thanh long Men's; Rượu vang thanh long; Nước cốt thanh long trắng, đỏ; Trà hoa thanh long; Hoa thanh long sấy; thanh long sấy dẻo; sấy thăng hoa trắng – đỏ; mứt thanh long; kem thanh long; tinh dầu thanh long; bánh quy thanh long; kẹo thanh long; bột thanh long sấy thăng hoa. Khai thác du lịch canh nông, tham quan trải nghiệm, giao lưu văn hóa ẩm thực…
Theo ông Đỗ Thanh Hiệp, những năm qua, HTX luôn bao tiêu giá thành bao tiêu cho bà con trồng thanh long nên rất ổn định.
Các sản phẩm của Hòa Lệ đảm bảo quy trình về an toàn thực phẩm, hệ thống thông tin, cập nhật quy trình sản xuất từng bước được áp dụng trên nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc. Kết hợp với nhóm liên kết chuỗi HTX, chỉnh chu quy trình làm thanh long Global GAP đạt chuẩn xuất sang các thị trường khó tính EU, Nhật, Úc, Hàn…
Nâng tầm giá trị thanh long để rộng đường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, trong năm 2024 giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trong tỉnh Bình Thuận ước đạt 9,2 triệu USD, sản lượng 8.400 tấn, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu, sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn.
Trong năm 2024, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận đã thực hiện quy chế quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" cho trái thanh long. Trong đó, kiểm tra, kiểm soát bên ngoài và thẩm định điều kiện, năng lực cấp mới, cấp lại quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý quả thanh long cho 15 tổ chức, cá nhân, đạt 70% kế hoạch.
Song song đó là thẩm định, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" dùng cho quả thanh long đến 6 tổ chức, cá nhân tại các huyện. Thẩm định, cấp lại giấy chứng nhận cho 5 tổ chức khác…
Hiệp hội tham gia phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai các chủ trương, kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu thanh long.
Mặt khác, vận động thành viên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến tích cực tham gia hội nghị, tập huấn, tham gia hội chợ giao thương, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm, kết nối hợp tác đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ…
Sang năm 2025, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng kế hoạch, giải pháp để triển khai thực hiện những nội dung được giao trong thực hiện đề án phát triển cây thanh long Bình Thuận đến năm 2030 của tỉnh.
Đồng thời tiếp tục vận động hội viên liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh quả thanh long. Bên cạnh đó, tổ chức chuỗi liên kết – tiêu thụ sản phẩm thanh long của các hội viên luôn duy trì ổn định và hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, Đề án phát triển thanh long của tỉnh đến 2030 đã được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận phê duyệt nên trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tiếp tục vận động nông dân sản xuất thanh long theo hướng VietGAP và GlobalGAP …
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 25.000 ha thanh long, sản lượng 550.000 tấn. Trong đó, có trên 9.000 ha thanh long được chứng nhận VietGAP, 453 ha được chứng nhận GlobalGAP và 93 ha chứng nhận hữu cơ.
Thị trường xuất khẩu thanh long đang có nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh khốc liệt do diện tích, sản lượng thanh long của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tăng nhanh. Đặc biệt, Trung Quốc đã trồng thanh long với diện tích khoảng 65.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm.