Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận

Bùi Phụ Chủ nhật, ngày 08/09/2024 07:15 AM (GMT+7)
Tiếp tục chuyến làm việc tại Bình Thuận, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, thăm một HTX thanh long do Hội Nông dân tư vấn, hỗ trợ thành lập.
Bình luận 0

Cùng đi có ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận. Đoàn công tác đã kính trọng dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 1.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam viếng Bác Hồ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; Di tích Dục Thanh, TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PH.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác, các thành viên trong đoàn nguyện quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Sau khi dâng hoa, dâng hương Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đồng chí Bùi Thị Thơm cùng đoàn công tác đã tham quan Di tích Dục Thanh. 

Trường Dục Thanh là một công trình tưởng niệm, có ý nghĩa tinh thần vô giá của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu, nằm bên dòng sông Cà Ty, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. 

Ngày 12/12/1986, trường Dục Thanh đã được được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia.

Trường Dục Thanh là nơi ghi dấu sự kiện thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 2/1911. 

Bằng tâm huyết, tình cảm, Người đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò của mình trước khi Người vào Sài Gòn, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 2.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác nghe thuyết minh tại Di tích Dục Thanh, TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PH

Trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ năm 1907 - 1912 theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng, với mong muốn mở mang dân trí trước hết phải thành lập trường dạy học.

Ông Nguyễn Trọng Lội và ông Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông cùng các nhân sĩ yêu nước đứng ra sáng lập, đây là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ.

Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó dạy chữ Hán, chữ Pháp và môn thể dục. Trường có 7 thầy giáo, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Quý Anh, trong số đó thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc 20 tuổi) là trẻ tuổi nhất.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 3.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đoàn công tác tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Ảnh: PH

Cùng ngày, đoàn đã đến thăm HTX thanh long sạch Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), đây là HTX tiêu biểu trong ngành sản xuất thanh long ở tỉnh Bình Thuận, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con nông dân. 

Theo ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, HTX Hòa Lệ là đơn vị tiêu biểu trong nhiều năm qua, do Hội Nông dân tư vấn, hỗ trợ thành lập. Đây cũng là dịp để đoàn kiểm tra Trung ương tiếp xúc trực tiếp và tư vấn những vấn đề quan trọng trong tương lai...

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 4.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đoàn công tác thăm HTX thanh long sạch Hoà Lệ. Ảnh:PH

Sau khi tham quan trực tiếp HTX thanh long sạch Hoà Lệ, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đánh giá cao mô hình hoạt động của HTX, đã tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Đồng chí Bùi Thị Thơm động viên lãnh đạo HTX cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, để nâng tầm uy tín thương hiệu thanh long Bình Thuận ra thị trường thế giới…

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, ban đầu chỉ 9 thành viên đến nay có 19 thành viên chính thức và 30 thành viên liên kết. Bên cạnh đó còn có 4 HTX liên kết chuỗi tiêu thụ thanh long, được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP.

Diện tích canh tác của HTX thanh long sạch Hòa Lệ khoảng 200 ha và thế mạnh là thanh long tươi, sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thanh long Hoà Lệ chủ yếu xuất khẩu 90% sản lượng (khoảng 5.000 tấn/năm) sang thị trường khó tính Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nước Trung Á. Khoảng 10% còn lại bán thị trường trong nước, gắn chế biến…

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 5.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan dây chuyền chế biến thanh long HTX thanh long sạch Hoà Lệ. Ảnh: PH

Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP, cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, HTX hướng dẫn các thành viên tuân thủ những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực…

HTX thanh long sạch Hòa Lệ cũng đã đầu tư chế biến sâu 16 sản phẩm; trong đó 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 5 sản phẩm được bình chọn "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu".

Điển hình như thanh long sấy thăng hoa đỏ - trắng, được lấy từ những trái thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đưa vào xưởng rửa sạch, bóc vỏ, cắt theo hình tam giác, dày 1cm, cạnh 3 - 4cm. Các lát thanh long được xếp vào khay, đưa vào máy sấy thăng hoa trong vòng 36 - 40 giờ, cho ra thành phẩm, đóng bao bì, dán nhãn, bảo quản. Sản phẩm thanh long sấy thăng hoa đỏ - trắng được không ít khách hàng trong, ngoài nước tìm mua tại các siêu thị.

Nhiều khách nước ngoài như Hàn, Nhật, Ấn Độ… đến tham quan vườn thanh long sạch của HTX thanh long sạch Hoà Lệ đã thích thú khi ăn thanh long sấy và mua làm quà.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao hoạt động của một HTX tiêu biểu ngành thanh long Bình Thuận - Ảnh 6.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đoàn công tác thăm HTX thanh long sạch Hoà Lệ. Ảnh: PH

Cùng với đó, các sản phẩm đặc trưng chế biến khác như thanh long sấy dẻo đỏ và trắng, hoa thanh long sấy, trà hoa thanh long cùng kem, bánh quy, mứt, tinh dầu đều được chế biến từ thanh long ruột trắng, đỏ. Bên cạnh còn có các sản phẩm lên men (rượu vang, nước cốt, rượu thanh long men's, rượu đế thanh long).

Việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến, HTX thu hút hơn 100 lao động người địa phương, trong đó 70% lao động nữ, thu nhập hàng tháng từ 7 - 10 triệu đồng/người.

Cũng nhờ vào những vườn thanh long sạch vào mùa trái chín đỏ, rộ đẹp mắt, thời gian qua HTX thanh long sạch Hòa Lệ còn đón những đoàn khách trong, ngoài nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đến tham quan vườn, trải nghiệm ẩm thực các món ăn chế biến từ thanh long, giao lưu văn hóa vùng miền…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem