Dân Việt

Đồng Nai: Gọi đầu tư vào 38 dự án giáo dục - y tế

Nguyên Vỹ 28/12/2024 13:07 GMT+7
Đồng Nai đạt được kết quả khả quan trong thu hút đầu tư kinh tế nhưng chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao. Việc nâng cao chất lượng sống người dân chưa như kỳ vọng.

Thu hút đầu tư chưa toàn diện

Nằm trong tứ giác phát triển kinh tế Đông Nam bộ, Đồng Nai là 1 trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

Trong thu hút đầu tư, Đồng Nai hiện 1.692 dự án FDI và tổng vốn đăng ký khoảng 35,21 tỷ USD, và 1.106 dự án đầu tư trong nước với tổng hợp đăng ký trên 466 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1,3 triệu lao động.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển văn hóa thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Chất lượng sống người dân Đồng Nai chưa được nâng cao toàn diện- Ảnh 1.

Phối cảnh tổng thể dự án Bệnh viện Ung bướu tại TP.Biên Hòa, quy mô 300 giường, với chức năng cấp cứu, khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn về ung thư cho người bệnh, giảm áp lực cho các bệnh viện chuyên khoa ung thư tuyến Trung ương. Ảnh: T.L

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, các dịch vụ chất lượng cao về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao được các doanh nghiệp triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa có sản phẩm chủ lực. Các cơ sở văn hóa, thể thao của Đồng Nai còn hạn chế, và đang xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Người dân Đồng Nai phải di qua địa phương khác như TP.HCM để sử dụng các dịch vụ trên.

Nguồn nhân lực của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết sớm khi sân bay Long Thành sắp đi vào hoạt động.

Chất lượng sống người dân Đồng Nai chưa được nâng cao toàn diện- Ảnh 2.

Tại buổi làm việc mới đây với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị nhà trường cần tập trung nắm bắt nhu cầu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện toàn tỉnh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định của Cục hàng không Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mô hình tăng trưởng của Đồng Nai sẽ thay đổi theo hướng gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường.

Huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng sống người dân

Theo ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mọi kết quả phát triển kinh tế, mọi nguồn lực tạo ra trong hoạt động kinh tế đều sử dụng phục vụ cho mục tiêu chăm lo cho người dân. Quan điểm này cũng được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh cũng xác định các phương án phát triển liên quan đến y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa; đồng thời xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh bao gồm tất cả các lĩnh vực.

Chất lượng sống người dân Đồng Nai chưa được nâng cao toàn diện- Ảnh 3.

Dự án Viện dưỡng lão và Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Anh: T.L

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và sức khỏe của nhân dân.

"Tỉnh cần phát huy giá trị văn hóa và con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội", ông Hùng nhấn mạnh.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư.

Đồng Nai đã mời gọi đầu tư đối với 38 dự án. Trong đó có 6 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 19 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục; 13 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng Nai cũng mời gọi đầu tư 2 khu làng đại học tại xã Long Đức (huyện Long Thành) với diện tích 200ha; và tại xã Suối Tre (TP.Long Khánh) với diện tích 300ha.

Chất lượng sống người dân Đồng Nai chưa được nâng cao toàn diện- Ảnh 4.

Khu đất quy hoạch Làng đại học tại xã Long Đức (huyện Long Thành). Ảnh: T.L

UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư là có thể triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi. Cần công khai các bước, quy trình, thời gian thực hiện đầu tư dự án để nhà đầu tư không phải chạy lòng vòng qua khắp các sở ngành, địa phương.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, dự báo về cung, cầu lao động.

Các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, tận dụng khả năng kết nối với các KCN nhằm đón đầu nhu cầu về nguồn lao động; xây dựng tổ hợp giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai gắn khu đô thị sân bay Long Thành.