Dân Việt

Con động vật bò dày đặc, hễ gáy râm ran là đẻ, một nông dân Tây Ninh nuôi thành công, "hưởng lương" 70 triệu/tháng

Quang Son 29/12/2024 15:35 GMT+7
Năm 2013, gia đình ông Trần An Vinh (sinh 1967) là hội viên Chi hội nông dân ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạn nuôi dế. Từ 1 khay trứng dế nuôi thử, sau hơn 10 năm thực hiện mô hình “Nuôi dế thương phẩm”, gia đình ông Vinh nguồn thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Nông dân xã Lợi Thuận làm giàu từ mô hình nuôi dế thương phẩm

Mô hình “Nuôi dế” không mới, nhưng nuôi dế để phát triển kinh tế và có thu nhập cao thì vẫn còn ít người làm được. 

Năm 2013, gia đình ông Trần An Vinh (sinh 1967) là hội viên nông dân thuộc Chi hội ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận đã mạnh dạn học hỏi và từ 1 khay trứng dế nuôi thử: sau 10 năm thực hiện mô hình “Nuôi dế thương phẩm”, gia đình ông Vinh nguồn thu nhập ổn định.

Tổng doanh thu mỗi lần xuất bán dế thương phẩm; cung cấp khay trứng dế, thức ăn; thu mua dế thương phẩm;…. sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vinh thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Cái duyên đến với nghề nuôi dế xuất phát từ việc gia đình ông Vinh rất thích ăn món dế rang, ông luôn yêu cầu vợ đi chợ sớm để có dịp mua dế đồng để ăn. 

Sau nhiều lần vợ đi chợ mà không còn dế để mua, nhận thấy nhu cầu thị trường cao đối với dế thương phẩm, từ đó ông đã nghĩ đến việc nuôi dế. Ông tìm đến các trang trại dế ở tỉnh Long An để học tập kỹ thuật và mua 1 khay trứng dế về nuôi.

Với một khay trứng dế, sau 35 ngày nuôi dưỡng, ông Vinh đã thu hoạch được 3 kg dế thịt và có thêm 3 khay trứng. 

Từ quá trình nuôi dế, ông Vinh rút ra kinh nghiệm và được Hội Nông dân xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) hướng dẫn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bến Cầu số tiền 40 triệu đồng, từ chương trình “Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn”.

Ông Vinh mở rộng diện tích và chỉnh trang chuồng trại nuôi dế, tăng lồng nuôi để tăng đàn. Từ thành công ban đầu, ông đã hướng dẫn các hội viên nông dân kỹ thuật nuôi và thành lập Tổ hợp tác nuôi dế do ông Vinh làm Tổ trưởng (với 13 thành viên) và hoạt động có hiệu quả cho đến nay.

 Hiện ông đã phát triển được 30 lồng nuôi dế, mỗi lồng có chiều rộng 2 mét dài 3 mét chuồng, cao 0,5 mét; bình quân 1 tháng ông xuất khoảng 1,5 tấn dế thương phẩm.

Ngoài ra ông còn trang bị thêm 2 xe tải nhẹ để thu mua dế thương phẩm của các hội viên nông dân các địa bàn huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng với số lượng 15 tấn/tháng để cung cấp ra thị trường tại TP HCM, Long An, Đồng Nai,…

Sau 10 năm thực hiện mô hình “Nuôi dế thương phẩm”, gia đình ông Vinh nguồn thu nhập ổn định: tổng doanh thu mỗi lần xuất bán; cung cấp khay trứng dế, thức ăn; thu mua dế thương phẩm;…. sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vinh thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Ông Trần An Vinh cho biết: “Khi mới nuôi tôi cũng rất lo lắng nhưng làm rồi mới thấy kỹ thuật nuôi dế rất đơn giản, ít vốn đầu tư, ít dịch bệnh, không cần diện tích rộng, thời gian thu hoạch nhanh. Khi mua trứng về, khoảng 7-8 ngày là trứng nở, khi nở thì mình chăm sóc.

img

 Mô hình nuôi dế thương phẩm của ông Trần An Vinh, nông dân thuộc Chi hội nông dân ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) cho thu nhập cao. Nuôi dế là mô hình có chi phí thấp, lợi nhuận tốt, nhanh cho thu hoạch, dễ quay vòng vốn.

Con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được; thức ăn chủ yếu của dế là cám gà con và tất cả các loại lá cây, rau, cỏ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, như: cỏ voi, bẹ chuối, lá mì..., dùng bình xịt tưới lan để phun sương cho dế uống nước. 

Người nuôi chỉ cần nuôi dế khoảng 30-35 ngày là có dế thịt bán, nuôi từ 40–45 ngày là có thể khai thác trứng. 

Khi nghe tiếng dế gáy râm ran là bước vào giai đoạn dế đẻ trứng, các khay đất cát được tưới phun sương tạo ẩm, là tổ để dế vào đẻ trứng. Khi ta thu hoạch dế, đồng thời vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ và gom phân dế để dùng làm phân bón cho cây trồng, góp phần cải tạo đất.”

 

Hiện mô hình nuôi dế của ông Vinh có đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, không yêu cầu sức lao động lớn, có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập. 

Đặc biệt, do thích nghi với thời tiết mùa hè, nên trong những thời điểm nắng nóng, cây trồng vật nuôi khó phát triển, thì dế vẫn sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. 

Đây là mô hình chăn nuôi tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nên cần được áp dụng học tập và nhân rộng.

 

Ông Lê Văn Trọng-Chủ tịch Hội nông dân xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Ông Vinh là một hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở xã, nhất là trong chăn nuôi dế; ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông cũng rất nhiệt tình tham gia công tác Hội và các phong trào thi đua của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Trong nhiều năm qua, ông vinh dự được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng trên nhiều lĩnh vực và gia đình ông là hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp huyện và là hội nông dân tiêu biểu của xã”.