Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh nhận định, sản xuất chăn nuôi, thủy sản đang là lĩnh vực có đóng góp lớn, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành cũng như phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bắc Ninh.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bắc Ninh ước đạt 8.693,06 tỷ đồng, tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản chiếm gần 57% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá trị sản xuất chăn nuôi 3.612,2 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cùng kỳ 2023; giá trị sản xuất thuỷ sản 1.340,4 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cùng kỳ 2023).
Theo ông, đâu là yếu tố khiến lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2024?
- Năm 2024 sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thuận lợi hơn khi giá cả đầu vào ổn định và có xu hướng giảm so với năm 2023, trong khi giá cả đầu ra, đặc biệt đối với giá lợn tăng cao, tạo ra giá trị, hiệu quả cho người chăn nuôi và ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), rồi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, trong đó Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra rải rác ở nhiều nơi. Đối với Bắc Ninh, trong năm 2024 chỉ xảy ra 2 loại dịch bệnh là Cúm gia cầm A/H5N1 và dịch tả lợn Châu Phi. Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả hệ thống chính trị đều vào cuộc và quyết liệt xử lý triệt để ngay, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Về phát triển chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm chỉ đạo lĩnh vực chăn nuôi, ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND và mới nhất là Nghị quyết số 16/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh Bắc Ninh. Nhờ vậy, đàn vật nuôi cơ bản giữ ổn định với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 81.980 tấn, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng trên ao đất giảm, nhưng số lồng nuôi cá trên sông tăng thêm 71 lồng so với năm 2023, đat 2.700 lồng. Thực ra, trước thời điểm bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào, số lượng lồng cá trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng lên 2.793 lồng. Bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lũ đã làm thiệt hại gần 200 lồng nuôi cá trên sông; sau đó các hộ dân, HTX đã khôi phục sản xuất về con số 2.700 lồng như hiện tại.
Trước tác động của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, mực nước các sông lên to gây ngập úng cho các hộ nuôi cá trong ao đất và lồng bè trên sông dẫn đến sản lượng nuôi trồng giảm, nhưng các hồ thủy điện xả lũ và số lượng cá thất thoát đã làm tăng sản lượng khai thác trên các hệ thống sông, ngòi nội đồng. Do đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 41.000 tấn, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2023.
Như ông vừa nói, tỉnh Bắc Ninh không chỉ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành mà còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chuyển hướng sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng giá trị và hiệu quả?
- Trong năm 2024 lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh và cơn bão số 3. Nhiều địa phương khi bão số 3 đổ bộ vào đã xuất hiện tình trạng trì trệ trong sản xuất, đó là điều rất đáng lo. Nhưng đối với tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh cũng như ngành thường xuyên quan tâm họp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả; Toàn bộ ngành, đơn vị đã xuống cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ người dân, HTX và các doanh nghiệp khẩn trương khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NNPTNT đã hỗ trợ con giống, thức ăn, hóa chất để xử lý môi trường; hỗ trợ cho người dân về thức ăn cho thủy sản. Nhờ đó, sản xuất chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hồi phục, duy trì sản xuất, giúp đảm bảo tăng trưởng dương trong năm 2024. Đây là một kết quả rất đáng phấn khởi.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ngoài khu vực dân cư, trong đó tỉnh hỗ trợ trang thiết bị, máy móc để nâng cao công nghệ trong chăn nuôi. Kết quả, trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 5 cơ sở chăn nuôi.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có 728 trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi, trong đó 89 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 17 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 12 cơ sở chăn nuôi lợn và 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
Các tiến bộ về khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, giống năng suất, chất lượng tiếp tục được các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đầu tư áp dụng đặc biệt được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như: lợn giống, gà giống, lợn thịt, gà thịt mang lại lợi nhuận kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Bắc Ninh có 31.766 hộ chăn chăn nuôi nông hộ, giảm hơn 10.000 hộ so với năm 2023. Việc giảm này là do yếu tố khách quan hay do tỉnh Bắc Ninh khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường?
- Theo số liệu thống kê, số lượng hộ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn nhiều, khoảng 31.766 hộ. Trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã giảm được khoảng 10.000 hộ chăn nuôi nông hộ, trong đó một số hộ đã thuê thêm đất để làm trang trại; còn cơ bản các hộ chuyển đổi nghề khác.
Về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh sẽ xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở các khu vực nội thị. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Xin cảm ơn ông!