Ngày 30/12, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trần Xuân Tiến – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Đơn vị vừa triển khai lắp các trạm cảnh báo sạt lở đất ở nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở".
Theo ông Trần Xuân Tiến, Quảng Bình hiện có 10 điểm sạt lở núi ở khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng cao, trong đó, 2 điểm sạt lở tại tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và sạt lở tại đồi Phòng không, xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Đây là 2 khu vực đông dân cư sinh sống và sát các tuyến đường giao thông trọng điểm, gồm đường Hồ Chí Minh và đường quốc lộ 12A.
Đặc biệt, sạt lở tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt đã được UBND tỉnh Quảng Bình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Tại 2 khu vực nói trên đã hình thành vết nứt và trượt, vị trí sát với các khu vực đông dân cư dân cư, uy hiếp trực tiếp đến 40 hộ dân thuộc tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt và 53 hộ dân, 1 trường tiểu học tại thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa.
Nhằm hạn chế rủi ro thiên tai do sạt lở đất cho 2 khu vực này, Chi cục Thủy lợi Quảng Bình lắp trạm cảnh báo sạt lở đất dựa trên lượng mưa thực đo sử dụng kinh phí từ nguồn thu Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Bình.
Các trạm đo được triển khai lắp đặt hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 11 năm 2024. Kinh phí lắp đặt hoàn thành là 200 triệu đồng.
Trạm phát thanh cảnh báo tự động kết nối với trạm đo mưa tự động qua giao tiếp không dây 3G/4G/ LoRa. Khi lượng mưa thực đo theo giờ (cường suất mưa) hoặc lượng mưa tích lũy vượt ngưỡng cảnh báo, hệ thống sẽ tự động kích hoạt Trạm phát thanh cảnh báo phát thanh cảnh báo qua Loa phát thanh công suất lớn với lời thoại được cài đặt sẵn hoặc còi hú.
Ưu thế vượt trội của hệ thống cảnh báo tự động do Watec phát triển là sử dụng giao tiếp không dây LoRa. Với công nghệ LoRa, hệ thống cảnh báo của Watec vẫn hoạt động bình thường khi sóng viễn thông di động bị mất hoặc yếu.
Khi lượng mưa lần lượt vượt ngưỡng 100mm/giờ và 150mm/đợt, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo (còi báo động kèm lời khuyến cáo) để người dân trong khu vực chủ động nắm tình hình và sơ tán khi cần thiết. Còi báo động giúp người dân dễ dàng nhận biết để di dời. Số liệu từ hệ thống cảnh báo giúp cho chính quyền địa phương có thể sớm đưa ra quyết định về việc sơ tán, di dời khi có nguy cơ.