Ngày 30/12, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế bỏ xử phạt đảng viên sinh con thứ 3.
Lý giải về việc này, ông Thịnh cho hay, về lý thuyết, việc một bộ phận sinh con thứ 3, thậm chí thứ 4 hiện nay chỉ tập trung ở vùng nông thôn, miền núi. Trong khi bộ phận khác đặc biệt ở thành thị, khu vực Nam bộ chỉ sinh 1 con chiếm đa số.
"Hiện chưa có thống kê có bao nhiêu % người sinh con thứ 3 trở lên, nhất là số đảng viên nhưng chắc chắn số này không nhiều. Tôi ủng hộ với đề xuất này của Bộ Y tế. Theo thống kê, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh thay thế đều giảm xuống, trong đó năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới", ông Thịnh nêu.
Ông Thịnh đánh giá, nhìn chung cả nước bình quân không đạt mức sinh thay thế. Vì vậy, nếu cứ siết chặt quy định, kỷ luật đối với cán bộ viên chức, đảng viên vi phạm chính sách dân số như trước đây ông cho rằng cần phải điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Thịnh, giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con rất quan trọng. Những năm gần đây, giải pháp khuyến sinh trên thế giới nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Hiện nay, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh đủ 2 con, cùng với đó là đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học... tại các khu vực có mức sinh thấp.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, chính sách này hấp dẫn được một bộ phận những người trẻ thu nhập thấp hoặc những người khó khăn. Còn nhóm bạn trẻ có thu nhập trung bình, khá giả thì họ không quan tâm điều này bởi họ xem chất lượng sống tốt hơn.
Về điều này, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho biết, việc bỏ quy định xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 là phù hợp nhưng điều này cũng tác động không nhiều để nâng cao mức sinh.
"Vì vấn đề đảng viên hay không đảng viên thì các gánh nặng, lo lắng về việc sinh nhiều con là như nhau. Thậm chí, theo các điều tra, người có học vấn cao, kinh tế dư dả lại càng sinh ít con.
Đối với họ, việc sinh con nuôi dạy con không chỉ dừng lại ở "có cơm ăn, áo mặc, được đi học" mà phải ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi có chất lượng, học trường quốc tế, đi du học...
Ngoài ra, một số nơi có các giải pháp khen thưởng 1-2 triệu đồng cho người sinh đủ 2 con ở tuổi 35 cũng chỉ mang tính chất "động viên" chứ không tác động mạnh đến nhu cầu sinh con của mọi người. Họ phải nuôi con tốn tiền tỷ, 1-2 triệu không thấm vào đâu", GS Cử chia sẻ.
Về đề xuất bỏ quy định không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cũng khẳng định đây chỉ là 1 trong những biện pháp nâng cao mức sinh.
"Lâu nay, quy định kỷ luật sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân. Đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên", ông Dũng cho biết.
Hiện nay, mức sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Bộ Y tế cho biết, tổng tỷ suất sinh: ước thực hiện năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ (giảm 0,05 con/phụ nữ so với năm 2023), không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 2,1 con/phụ nữ.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), xuống 1,96 con/phụ nữ (2023), và ước năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Năm 2024, mức sinh tại thành thị (ước 1.67 con/phụ nữ) và nông thôn (ước 2.08 con/phụ nữ) tiếp tục dưới mức sinh thay thế. Trong hai thập kỷ vừa qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bọ có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ còn 1,48 phụ nữ/con.
"Mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Khi tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế.
Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…", ông Dũng đánh giá.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có đề xuất bỏ quy định quy định "mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con" mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân. Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số - văn bản pháp luật hiện hành quan trọng nhất về dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cho các ông bố, bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Là TP có mức sinh thấp nhất cả nước (1,32con/phụ nữ), vừa qua Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số mà nội hàm chính của chính sách này là: hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi tại thành phố và hỗ trợ 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo khi thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng thẳng thắn thừa nhận: "Với phần kinh phí như vậy chắc chắn không bao giờ giải quyết được câu chuyện mức sinh thấp. Cần khẳng định số tiền này không phải là hỗ trợ về kinh tế trong việc sinh con và nuôi dạy con.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng các đô thị phát triển trong cùng khu vực Châu Á đã dùng giải pháp kinh tế để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp nhưng cũng chưa từng có đô thị nào thành công. Việc hỗ trợ phần kinh phí này của Thành phố chỉ là một trong rất nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp của thành phố.
Chính sách này chỉ là giải pháp đầu tiên và là hỗ trợ một phần cho chi phí y tế khi thực hiện việc thăm khám thai kỳ, thực hiện sàng lọc trước sinh - sàng lọc sơ sinh và chi phí viện phí đồng chi trả sau khi được BHYT thanh toán.
Trên quan điểm đề xuất, việc hỗ trợ này thể hiện sự quan tâm của Thành phố đối với các cặp vợ chồng đã chung tay thực hiện việc sinh đủ hai con để góp phần giải quyết bài toán mức sinh thấp của thành phố".
Bài 2: "Công chức, đảng viên không bị kỷ luật nếu sinh con thứ 3 là bước đi linh hoạt, cần thiết"