Ngại yêu lười đẻ: Nghịch lý: "Giàu lười đẻ, nghèo lắm con" (kỳ 2)

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ ba, ngày 18/06/2024 06:06 AM (GMT+7)
Mức sinh của Việt Nam đang sụt giảm với nghịch lý người sống dư dả lười đẻ, người nghèo lại ham con.
Bình luận 0

Các chuyên gia dân số lo ngại về tình trạng "lười đẻ" ở giới trẻ. Đáng nói, ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng núi cao, hải đảo, mức sinh vẫn ở mức cao. Có gia đình nghèo vẫn sinh tới 5-7 con khiến kinh tế gia đình đã khó khăn càng nghèo đói hơn. 

Trong khi đó, ở các vùng có điều kiện kinh tế khá giả, thu nhập trung bình của người dân cao hơn hẳn thì mức sinh lại thấp, thậm chí như ở "đầu tàu kinh tế TP.HCM", mức sinh thay thế đã xuống đến mức báo động, chỉ dưới 1,4 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Trong khi mức sinh thay thế cần thiết phải là 2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. 

Ngại yêu lười đẻ: Nghịch lý: "Giàu lười đẻ, nghèo lắm con" (kỳ 2)- Ảnh 1.

Các cặp vợ chồng phố "lười đẻ" vì sọ không có đủ tiền lo cho con cái ăn học tốt nhất. Ảnh minh họa Pixabay

Lười đẻ vì sợ khổ

Cũng ở trong nhóm các cặp vợ chồng trẻ "lười đẻ", chị Trần Thu Lan (34 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết: "Không phải lười đẻ mà là sợ đẻ". 

Chị chia sẻ, 2 vợ chồng chị đã cưới nhau được 8 năm, có 1 cô con gái 7 tuổi. Gia đình hai bên cũng giục có thêm con, tốt nhất là sinh được cậu con trai cho "có nếp có tẻ", bên nội thì chồng là con trưởng cũng muốn có "cháu đích tôn". Nhưng hai vợ chồng chị kiên quyết không sinh thêm. 

Đại biểu Trần Kim Yến, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng: "Mức thu nhập bình quân người lao động, công nhân là khoảng 8-10 triệu đồng/tháng là nguyên khiến người dân ngại sinh do nhiều bậc phụ huynh không đủ khả năng nuôi trẻ".

"Hai vợ chồng tôi phấn đấu mãi mới mua được căn nhà, vay ngân hàng gần 1 tỷ. Tháng nào cũng còng lưng trả nợ. Hai vợ chồng tổng thu nhập hơn 50 triệu/tháng, thấy có vẻ rất to nhưng trả nợ ngân hàng hơn 15 triệu/tháng, con ăn học trường tư rồi học thêm tiếng Anh, năng khiếu hết hơn 10 triệu/tháng, nuôi ô tô hết hơn 5 triệu/tháng. 

Còn lại gần 20 triệu, lo chi phí sinh oạt, tiền gửi về quê biếu bố mẹ thì chẳng còn là bao, 2 vợ chồng còn phải tằn tiện. Ở Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ. 

Chúng tôi cạn sạch tiền để có thể lo cho 1 đứa con nữa. Bây giờ không thể sinh con theo kiểu "trời sinh voi trời sinh cỏ", không có điều kiện để cho con điều kiện học hành, sinh hoạt tốt thì không nên đẻ. Hơn nữa, nếu tôi sinh, công việc đình trệ, thu nhập chắc chắn sẽ giảm. 

Nói là ở thành phố thu nhập cao nhưng chi tiêu đắt đỏ, nhu cầu cuộc sống hiện nay cũng cao. Nên bảo chúng tôi "giàu lười đẻ" thì chũng tôi chả dám nhận. Sợ khổ không dám đẻ thì đúng hơn. Nếu sau này trả hết nợ ngân hàng, dư dả hơn, tôi sẽ đẻ. Giờ khoa học phát triển, phụ nữ hơn 40 tuổi đẻ cũng an toàn mà", chị Lan chia sẻ. 

Còn tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hằng (29 tuổi) cho biết, hai vợ chồng chị làm công nhân, thu nhập được hơn 30 triệu nhưng cũng chỉ dám đẻ 1 con. 

"Hai chúng em đi thuê nhà 6 triệu/tháng. Con em học trường làng thôi cũng tốn 3-4 triệu/tháng, rồi tiền sữa, tiền vui chơi. Nên nhìn qua nhìn lại cũng chả còn là bao. Giờ đẻ khéo mất việc, chồng em cũng không nuôi được "3 cái tàu há mồm". Em còn muốn tích cóp để sau này ra làm ăn riêng, không làm công nhân mãi được. 

Nên vợ chồng em thống nhất không đẻ nữa. Bố mẹ hai bên cũng không giục, bảo đẻ cho "biết đẻ" là được rồi", Hằng chia sẻ. 

Ngại yêu lười đẻ: Nghịch lý: "Giàu lười đẻ, nghèo lắm con" (kỳ 2)- Ảnh 2.

Trong khi gia đình nghèo như nhà bà Hải lại đẻ "tùy ý" khiến cuộc sống khổ càng khổ hơn (Bà Hải sau nhiều năm nuôi con giờ lại nuôi cháu. Ảnh Nguyễn Định)

Càng khổ càng đẻ nhiều

Có lẽ với nhiều người dân sống tại Hà Nội không ai xa lạ gì với câu chuyện của bà Đặng Thị Hải (56 tuổi) ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông). Bà Hải nổi tiếng khắp vùng vì đẻ tận 14 người con (8 trai, 6 gái), cứ 2 năm lại đẻ một lần.  

Tổng điều tra Dân số năm 2019 cũng chỉ ra rằng, phụ nữ có nghèo, có học vấn thấp đẻ nhiều, phụ nữ giàu có học vấn cao sẽ đẻ ít.

Cụ thể, trong 5 nhóm mức sống, phụ nữ sống trong các hộ nghèo nhất có mức sinh cao nhất (2,4 con/phụ nữ) . Phụ nữ sống trong các hộ giàu nhất có mức sinh thấp nhất (2 con/phụ nữ).

Mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn mức sinh thay thế và cao hơn mức sinh của khu vực thành thị (TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ).

Dù 14 lần mang nặng đẻ đau, nhưng người mẹ ấy chưa từng đến cơ sở y tế để sinh nở. Tất cả lần sinh thì có 3 lần chồng tự đỡ đẻ và 7 lần bà Hải đẻ rơi ngoài lều. Có lần bà tự tay cắt rốn cho con rồi ôm về nhà.

"Giàu con" nhưng kinh tế ngày càng kiệt quệ, vợ chồng bà Hải sống trong cái lán dựng tạm, ở nhờ đất dự án. Hai vợ chồng làm đủ nghề từ chăn bò, nuôi lợn, gà, cấy hái, trồng rau... để có miếng ăn cho gần 20 người trong nhà. 

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Hải phân trần, việc đẻ nhiều con không phải chủ đích của vợ chồng. Do công việc mưu sinh vất vả, cứ chú tâm kiếm kế sinh nhai nên khi biết có thai cũng đã ở tháng thứ 5,6. Chính vì vậy bà không nỡ bỏ mà để sinh. Rồi cứ thế lần lượt từng người con chào đời khiến cuộc sống vốn túng thiếu lại thêm khó khăn hơn.

"Tôi không nghĩ đến chuyện kế hoạch, cũng không kiểm soát được hành vi của mình nên sinh nhiều con. Có lúc tôi còn chẳng biết mình mang bầu. Khi biết rồi, tôi lại không nỡ bỏ, không muốn làm việc thất đức nên cứ thế mà sinh chúng ra", bà Hải trải lòng.

Bà tâm sự: "Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Quanh năm suốt tháng tôi chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi. Có năm khó khăn đến mức Tết không có một đồng nào trong nhà. Tôi sang mượn hàng xóm 200 nghìn đồng để ăn Tết. Ngày 29 Tết, người hàng xóm mang tiền sang rồi cho thêm 10 kg gạo, mua chịu vài lạng miến cho các con". 

Ngại yêu lười đẻ: Nghịch lý: "Giàu lười đẻ, nghèo lắm con" (kỳ 2)- Ảnh 3.

Bà Hải cho biết, 4 con trai bà vướng vào vòng lao lý, 2 con gái ly hôn. Giờ tuổi già sầm sập nhưng bà vẫn còng lưng gánh nặng nuôi con, nuôi cháu. Ảnh Gia Khiêm

Nghèo khó nên các con của bà trưởng thành cũng không tốt. Trong 13 người đi học, chỉ có con lớn là học hết lớp 11, còn lại chỉ học đến lớp 6, lớp 7 rồi bỏ học. Học hành không đến nơi đến chốn, các con bà Hải lại tiếp tục vòng luẩn quẩn vất vả, đói nghèo của bố mẹ. 

Năm 2021, 4 đứa con trai của bà lao vào vòng lao lý vì tội cướp tài sản. Đang làm đồng, nhận tin sét đánh, bà bỏ cả ruộng lúa cấy dở vội chạy về nhà. Nhìn các con bị dẫn đi, đứa lĩnh án tù 10 năm, đứa 6-7 năm, bà đau thấu trời. 

Trong số 13 người con của bà, có 6 người đã lập gia đình, sinh cho bà 7 cháu nội và 6 cháu ngoại. Hai cô con gái của bà đã ly hôn chồng, một người về sống cùng mẹ, một người đi bước nữa để lại con thơ. Bà hiện nuôi thêm một cháu ngoại. Hiện chỉ có một cậu con trai sinh năm 2011 học lớp 7. Bà cũng không biết con học được đến bao giờ, chỉ biết cố gắng lo cho con từng ngày.

Thành phố đẻ ít, nông thôn đẻ nhiều

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Cục Dân số, Bộ Y tế) cũng chia sẻ, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng thời gian tới cơ cấu dân số sẽ thay đổi nhanh.

Theo ông Sơn, hiện nay, Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế (hiện là hơn 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ - PV) nhưng mức sinh thay thế giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó có 9 tỉnh, TP đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh TP có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số).

Ngại yêu lười đẻ: Nghịch lý: "Giàu lười đẻ, nghèo lắm con" (kỳ 2)- Ảnh 4.

Thông điệp về dân số của TP.HCM kêu gọi các cặp vợ chồng sinh đủ hai con để khắc phục bệnh "lười đẻ" hiện nay. Ảnh STY TPHCM.

Các tỉnh có mức sinh cao và mức sinh thay thế và mức sinh cao bao gồm các tỉnh ở Trung và miền Đông núi phía Bắc (2,43 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), Đồng bằng sông Hồng (2,35 con), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.,32 con); Tây Nguyên (2.43 con), Đông Nam Bộ (1,56 con), Đồng Bằng sông Cửu Long (1.80 con). 

Dự báo dân số Việt Nam ngày càng giảm

"Với mức sinh càng ngày càng thấp như hiện nay, dự báo, dân số Việt Nam sẽ tăng lên lên "đỉnh điểm" 107 triệu vào năm 2044, sau đó "tụt dần đều" và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100".

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế

"Đã có năm, mức sinh thay thế của TP.HCM xuống tới hơn 1,2 con, ở mức "siêu thấp". Do đó, đối với các tỉnh có mức sinh thấp, chúng ta cần có giải pháp để "kích sinh" ngay từ bây giờ. Bởi kinh nghiệm các nước có mức sinh thấp trên thế giới cho thấy, nếu mức sinh dưới 1,3 thì không có khả năng khôi phục", ông Sơn nhận định.

Ông Sơn cũng phân tích, việc các gia đình trẻ "lười" có con có nhiều nguyên nhân. Phụ nữ hiện nay càng độc lập, muốn học hành cao, muốn có sự nghiệp của riêng mình nên không muốn dành quá nhiều thời gian cho việc "bỉm sữa" nên trì hoãn sinh con hoặc chỉ sinh 1 con.

Ngoài ra, gánh nặng kinh tế khi sinh nở, tiền ăn học, viện phí, vui chơi... cho một đứa trẻ ngày càng cao khiến cho các cặp vợ chồng không dám sinh nhiều con. 

Mới đây, tại buổi thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội cuối tháng 5 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng lo ngại về chất lượng dân số Việt Nam khi mức sinh "không đều" như hiện nay.

"Người có trình độ không chịu đẻ nhưng vùng khó khăn, không phải sinh ở mức 2 mà lại lên tới mức 3 - 5 con. Chỗ không có điều kiện đẻ rất dữ, chỗ có điều kiện không chịu đẻ", ông Thanh ói.

Ông Thanh cũng nêu quan điểm, nếu mức sinh không đạt 2,1 là rất căng, ảnh hưởng đến chất lượng dân số Việt Nam sau này.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem