Sáng 29/12, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Thanh Phong (SN 1984) và Nguyễn Văn Giang (SN 1995), cùng trú tại tỉnh Thanh Hóa, về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Với thủ đoạn, lập tài khoản fanpage chạy quảng cáo trên trang mạng xã hội Facebook, khi người dân có nhu cầu sẽ gọi điện thoại, thỏa thuận mức lãi suất rồi giao giấy tờ tùy thân cho các đối tượng thì sẽ được vay tiền trả góp theo ngày.
Hai đối tượng Lê Thanh Phong và Nguyễn Văn Giang cho vay với lãi suất "cắt cổ" từ 452%/năm – 695%/năm. Trong ảnh là 2 đối tượng tại Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: C.A.
Từ đầu tháng 8/2024 đến ngày 15/12, Lê Thanh Phong và Nguyễn Văn Giang đã cho 83 người dân ở địa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận vay với tổng số tiền lên đến gần 1,7 tỷ đồng. Các đối tượng cho vay theo hình thức trả góp theo ngày, số tiền cho vay dao động từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng và mức lãi suất từ 452%/năm – 695%/năm, thu lợi bất chính số tiền trên 457 triệu đồng.
Tương tự, với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Đặng Duy Nam (SN 1989), trú tại thành phố Hà Nội và Nguyễn Duy Hậu (SN 1994), trú tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa bị Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Với thủ đoạn in card vist in nội dung "Cho vay trả góp" rồi phát cho người dân và khi người dân có nhu cầu vay tiền, các đối tượng cùng sử dụng cách thức của nhóm trên.
Đối tượng Đặng Duy Nam và Nguyễn Duy Hậu cho vay với lãi suất từ 365%/năm đến 452%/năm. Trong ảnh là các đối tượng tại Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: C.A.
Theo kết quả điều tra, từ đầu tháng 11 đến ngày 17/12, Nam và Hậu đã cho 6 người dân ở địa bàn thành phố Gia Nghĩa vay với số tiền 455 triệu đồng với lãi suất từ 365%/năm đến 452%/năm, thu lợi bất chính số tiền gần 87 triệu đồng. Hai vụ án trên đang được Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa tiếp tục mở rộng điều tra.
Đồng thời, Công an thành phố Gia Nghĩa cũng kêu gọi, những ai là nạn nhân của 2 vụ án như trên liên hệ với Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy để được phối hợp giải quyết.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định khung hình phạt Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cụ như sau:
Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người dân phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, tại Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ- HĐTP cũng hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
Còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.