Cho vay nặng lãi vào dịp Tết sẽ bị xử lý như thế nào?

Phi Long Thứ ba, ngày 06/02/2024 06:57 AM (GMT+7)
Vay nặng lãi đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là dịp cận Tết Nguyên đán nhu cầu nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân tăng cao. Các đối tượng cho vay nặng lãi theo kiểu "tín dụng đen" cũng gia tăng hoạt động.
Bình luận 0

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề pháp lý này như sau:

Theo Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì:

"Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.


Cho vay nặng lãi vào dịp Tết sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Công an thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Thao (SN 1993, trú phường An Sơn, TP Tam Kỳ) và 4 đối tượng liên quan để điều tra hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Ảnh CAQN

Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay".

Hiện nay, lãi suất giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

"Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực."

Như vậy, khi cho vay mà lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tức là lãi suất từ 100%/năm trở lên thì việc cho vay đã có dấu hiệu hình sự.

Xử lý hành vi cho vay có lãi suất vượt mức pháp luật quy định

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tùy mức thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng mà khung hình phạt tội này có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Trường hợp cho vay vượt mức 20%/năm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tức chưa tới mức lãi suất 100%/năm) thì bị xử phạt hành chính với quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm như sau: Mức xử phạt là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với cá nhân vi phạm (đối với tổ chức thì mức phạt tiền là 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Đồng thời người vi phạm phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm.

Để tránh rơi vào cái bẫy của vay nặng lãi, người dân cần lưu ý:

Theo LS. Hoàng Anh Sơn, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các hoạt động cho vay trên không gian mạng, khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để hưởng các chế độ, chính sách vay ưu đãi với lãi suất phù hợp theo quy định.

Đối với các cá nhân cần vay tiêu dùng vào dịp Tết, có thể sử dụng hình thức vay bằng việc vay qua thu nhập từ bảng lương hoặc hợp đồng lao động tại các ngân hàng.

Trước khi tìm đến một địa chỉ nào đó để vay mượn tiền bạc phải tìm hiểu kỹ về lãi suất khoản vay và giấy tờ thủ tục vay có đúng quy định pháp luật hay không.

Không cung cấp thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân lên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo; Không vay tiền qua các website cho vay tiền, các hội nhóm cho vay tiền trên app điện thoại, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... nếu có thoả thuận giao dịch dân sự phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây liên quan đến việc cho vay qua APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền..., hoặc những ai là nạn nhân của "tín dụng đen" cần kịp thời trình báo, tố giác ngay với Công an địa phương để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem