Dân Việt

Tại sao Thủ tướng lại nhắc đến concert đình đám "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hội nghị đối thoại với nông dân?

P.V 31/12/2024 18:30 GMT+7
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính bất ngờ nhắc đến sự thành công của concert Anh trai vượt ngàn chông gai khi nói về sức mạnh của văn hóa dân tộc.

Thủ tướng giải mã sức hút concert Anh trai vượt ngàn chông gai

Tại Hội nghị, anh Nguyễn Mạnh Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 ở khu 6, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đặt câu hỏi, đề xuất với Thủ tướng các chính sách về phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái.

"Phát triển du lịch nông nghiệp là xu thế mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người nông dân, đặc biệt là những người nông dân vùng nông thôn, vùng núi khó khăn cũng như thanh niên nông thôn. Tuy nhiên trong thực tế phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông nghiệp chúng tôi có một vài trăn trở. Rất mong được Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng nông dân, thanh niên nông thôn tận dụng những sẵn có của địa phương, phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao giá trị đời sống cũng như đời sống văn hoá tinh thần của người nông dân ở vùng nông thôn", anh Cường kiến nghị.

Tại sao Thủ tướng lại nhắc đến concert đình đám của Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hội nghị đối thoại với nông dân? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến sự thành công của concert Anh trai vượt ngàn chông gai khi nói về sức mạnh của văn hóa dân tộc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Ảnh: Lê Hiếu.

Sau khi lắng nghe câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dành cho câu hỏi của nông dân Nguyễn Mạnh Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh tăng tốc, bứt phá hơn.

Theo Thủ tưởng Phạm Minh Chính, Đảng và Nhà nước xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. 

Lấy dẫn chứng về sức hút của hai concert từ hai chương trình truyền hình thực tế: "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Vẫn là bài hát Trống Cơm, Đào liễu ấy vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ khác, sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí".

Thủ tướng cũng kỳ vọng mỗi nông dân biết phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa đặc sắc của địa phương, dân tộc mình, tiến tới quốc tế hóa bản sắc của chúng ta.

"Cũng là nhà sàn, điệu khèn ấy nhưng nếu biết thổi hồn vào nó, xây dựng cho nó một câu chuyện, một không gian văn hóa thì sẽ trở thành một sản phẩm du lịch. Nhiệm vụ của chúng ta là thu hút nguồn lực để từ bàn tay khối óc này có thể làm giàu từ chính khung trời cửa biển của chúng ta", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, phải quốc tế hóa các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.

Tại sao Thủ tướng lại nhắc đến concert đình đám của Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hội nghị đối thoại với nông dân? - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 ở khu 6, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đặt câu hỏi, đề xuất với Thủ tướng các chính sách về phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái. Ảnh: Lê Hiếu

Mỗi nông dân là một đại sứ du lịch

Trả lời câu hỏi của nông dân Lê Mạnh Cường, ông Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Thủ tướng đã gợi ý khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương sẽ khai thác văn hoá nhiều hơn. Tầm quan trọng, vị thế của văn hoá, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể.

Văn hoá trong kinh tế và kinh tế trong văn hoá không thể tách biệt hai yếu tố này. Và quả thực đối với những quốc gia đang phát triển đều đang rất chú trọng đến văn hoá.

Ở Việt Nam chúng ta, với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm và nền văn hóa đa dạng, tựa như một bức tranh sống động được dệt nên từ những gam màu bình dị của làng quê. Mỗi con đường làng, mỗi ruộng lúa hay tiếng gọi đò trên dòng sông quê hương đều mang trong mình tiềm năng vô tận để phát triển du lịch nông thôn - một con đường không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu.

Tại sao Thủ tướng lại nhắc đến concert đình đám của Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hội nghị đối thoại với nông dân? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng, mỗi nông dân là một đại sứ du lịch. Ảnh: Lê Hiếu.

Lợi thế lớn nhất của Việt Nam nằm ở sự phong phú và độc đáo của các làng quê trên khắp mọi miền đất nước từ dấu ấn về các lễ hội đã đi vào thi ca nhạc hoạ. Chúng ta có Lụa Hà Đông, ly cà phê Ban Mê, lễ hội bánh chưng, bánh giày… với những câu chuyện văn hoá và nghệ thuật.

Chúng ta đang thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước để xây dựng nên những làng quê đáng sống để ai đi xa cũng muốn trở về, khổ đau càng muốn trở về hơn.

Trong bối cảnh phát triển bền vững, du lịch nông thôn không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế mà còn là cách để gìn giữ và làm mới những giá trị truyền thống.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý, phát triển du lịch nông thôn không chỉ đơn thuần là việc đưa khách du lịch đến với làng quê. Đó là cách để những người nông dân trở thành người kể chuyện, để mỗi hạt gạo, chiếc nón lá, hay phiên chợ quê đều trở thành "nhân chứng" sống động của văn hóa Việt Nam. Du khách nước ngoài họ sang Việt Nam chỉ để trải nghiệm văn hoá và trải nghiệm làm người nông dân. 1 giờ đồng hồ họ sẵn sàng chi ra 20 USD (tương đương 500.000 đồng) để trải nghiệm những công việc của người nông dân.

Du khách đến Việt Nam để trải nghiệm văn hoá, và người nông dân của chúng ta đã làm những vấn đề đó. Du lịch nông thôn mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những cộng đồng vốn gắn bó với đất đai và cây lúa. Nó tạo ra sinh kế bền vững, giúp người trẻ không còn phải rời xa quê hương để tìm kiếm cơ hội, mà có thể xây dựng ước mơ ngay trên chính mảnh đất mình yêu thương.

Tại sao Thủ tướng lại nhắc đến concert đình đám của Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hội nghị đối thoại với nông dân? - Ảnh 4.

Nghệ sĩ nhân dân Tự Long và ca sĩ Soobin Hoàng Sơn biểu diễn Trống cơm tại concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên, tháng 12/2024. Ảnh: FB Tự Long.

Quan trọng hơn cả, du lịch nông thôn là cách để nhắc nhở chúng ta về giá trị của cội nguồn. Văn hóa là nền tảng, là sức mạnh để nông thôn Việt Nam phát triển bền vững.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết định rất sớm như Quyết định 922 để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng đã chủ trì 3 Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch trong đó có du lịch nông thôn, nông nghiệp trong năm 2023 và năm 2024. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Như vậy xét về góc độ cơ chế, chính sách chúng ta đã có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, có Luật Du lịch do Quốc hội ban hành. Chúng ta đã có rất nhiều nội dung, thông điệp. "Và mỗi người nông dân sẽ là một đại sứ du lịch và vươn mình phát triển cùng đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.