Dân Việt

USD tăng vọt: Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD, dự báo "nóng" về tỷ giá USD/VND năm 2025

H.Anh 03/01/2025 10:43 GMT+7
Theo tính toán của các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tiền đồng mất giá khoảng 4,8% trong năm 2024 và Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong năm này để "kìm cương" tỷ giá. Các nhà phân tích dự báo, tỷ giá VND kết thúc năm 2025 ở mức trên 26.000 đồng/USD.

Theo cập nhật của Dân Việt, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 3/1, vượt trên 109 điểm. Đồng USD đạt mức cao nhất trong hai năm ngay những ngày giao dịch đầu tiên của năm, nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt trội và lãi suất duy trì ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD

Tại Báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuyên viên phân tích My Trần, cho biết, tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong Quý II/2024 và Quý IV/2024.

Như kỳ vọng của VDSC vào đầu năm 2024, diễn biến tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc vào xu hướng lên xuống của đồng USD, hệ số tương quan của chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND trong năm 2024 là 0,67, tăng nhẹ so với mức 0,63 trong năm 2023.

So với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD. Như vậy, biến động tỷ giá năm 2024 vẫn nằm trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD, dự báo "nóng" về tỷ giá USD/VND năm 2025 - Ảnh 1.

Đáng chú ý, để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Các đợt bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ tháng 4-7/2024 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD. Giai đoạn 2 diễn ra ít dồn dập hơn từ tháng 9-12/2024 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD.

"Tính chung cả năm 2024, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD. Chúng tôi ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023", bà My thông tin.

Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao như giai đoạn tháng 5-6/2024 hay tháng 10 và tháng 12/2024.

Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.

Lãi suất điều hành được duy trì không đổi với lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn lần lượt là 3,0%/năm và 4,5%/năm. Lãi suất trên thị trường mở ở kênh mua kỳ hạn và phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không tăng cao hơn mức lãi suất tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng là 3,4%/năm, cao hơn khoảng 1,2 điểm % so với năm 2024. Khi lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm mạnh về dưới mức lãi suất tái chiết khấu, Ngân hàng Nhà nước thường phát hành tín phiếu để đẩy lãi suất tăng trở lại. Đây cũng là động thái nhằm kiểm soát chênh lệch lãi suất USD-VND, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Dự báo "nóng" tỷ giá 2025

Theo các nhà phân tích, việc kiểm soát sự ổn định tỷ giá trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đối mặt với cả thuận lợi và thách thức. Một trong những yếu tố thuận lợi là khả năng thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, các thách thức không nhỏ vẫn tồn tại, bao gồm dòng vốn FDI giải ngân chỉ vừa đủ bù đắp lợi nhuận chuyển về nước và dự trữ ngoại hối suy giảm mạnh, tạo áp lực đáng kể lên tỷ giá hối đoái.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng áp lực mất giá của các đồng tiền vào cuối năm 2024 vẫn chưa phản ánh hết tác động của các yếu tố thuế quan, đặc biệt là nguy cơ bị Mỹ áp thuế lên các đồng tiền bị cựu Tổng thống Donald Trump đe dọa từ sau khi ông thắng cử.

Theo dự báo của VDSC, tiền đồng có thể dao động trong biên độ ±5% trong năm 2025 và có khả năng kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD. Xác suất Mỹ áp thuế quan 10–20% lên hàng hóa Việt Nam – dù thấp – cũng được dự báo sẽ làm gia tăng áp lực mất giá của tiền đồng. Trong bối cảnh này, lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ được duy trì ổn định, trong khi Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều tiết qua thị trường mở để đối phó với các áp lực về tỷ giá và thanh khoản ngắn hạn.

Bàn về tỷ giá trong năm 2025, các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết: Sức mạnh của đồng USD trong năm 2025 sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố quan trọng như chính sách mới của Tổng thống Trump, tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Hoa Kỳ, diễn biến kinh tế của các cường quốc khác, xung đột địa chính trị toàn cầu, cũng như chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo đó, TPS nhận định tỷ giá sẽ biến động khó lường trong những tháng đầu năm 2025, chủ yếu do tác động từ các chính sách kinh tế và ngoại giao mới của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm, tỷ giá dự kiến sẽ ổn định hơn khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi, xung đột địa chính trị được giải quyết phần nào, và tác động từ các chính sách của Hoa Kỳ giảm đi. Đồng thời, việc Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ góp phần làm dịu áp lực lên tỷ giá.

Theo dự báo của TPS, tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vào ngày 31/12/2025 sẽ ở mức 26.073 đồng/USD, tăng 2,4% so với đầu năm.

Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research, trong năm 2025, nếu thuế quan tiếp tục nóng, ông Trump có thể đánh thuế thì tỷ giá sẽ tác động nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Dự báo tỷ giá VND năm 2025 biến động trong biên độ 3%, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.