Dân Việt

Nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc, nông dân vừa học vừa làm, có cái quen, có cái lạ

Nghĩa Lê 14/01/2025 18:53 GMT+7
Dự án ASSET đang nỗ lực mang đến mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững thông qua các giải pháp chu trình khép kín, tận dụng tài nguyên địa phương...

Nông nghiệp sinh thái bền vững là hướng đi tất yếu cho bà con Tây Bắc...

Theo Th.S Nguyễn Hoàng Phương, Đại học Tây Bắc/ điều phối viên dự án ASSET tại tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Theo định nghĩa của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nông nghiệp sinh thái (NNST) là một phương pháp tiếp cận tổng thể và tích hợp. 

Phương pháp này áp dụng đồng thời các nguyên tắc sinh thái và xã hội để thiết kế và quản lý hệ thống nông nghiệp và thực phẩm một cách bền vững. Nông nghiệp sinh thái không chỉ tối ưu hóa các mối tương tác giữa cây trồng, vật nuôi, con người và môi trường mà còn hướng tới một hệ thống thực phẩm công bằng hơn về mặt xã hội".

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 1.

Nông nghiệp sinh thái nhấn mạnh việc tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có tại địa phương, như phân hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, và cây trồng bản địa. Điều này giúp tạo ra một chu trình nông nghiệp tuần hoàn khép kín giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào phân bón hoá học và thuốc trừ sâu công nghiệp.

Theo ông Lê Văn Dũng (56 tuổi), một nông dân lớn tuổi ở Điện Biên cho biết: "Làm ruộng cả đời, tôi chỉ biết cái cày, cái bừa, phân chuồng với thuốc trừ sâu. Nhưng giờ thiên hạ bảo làm nông nghiệp sinh thái, tôi nghe cũng thấy lạ mà cũng thấy hay. Đất đai giờ bạc màu, không cải tạo thì chỉ cày được vài mùa nữa là hỏng".

"Nói thật, cái kiểu trồng mà tận dụng lá cây, rơm rạ để làm phân hữu cơ như ngày xưa ông bà mình làm, tôi thấy là hay. Nhưng mà bảo không dùng thuốc trừ sâu thì tôi cũng lo, lỡ sâu bệnh ăn hết thì lấy gì mà thu hoạch? Nhà nông chúng tôi cần có người hướng dẫn bài bản, làm thử thì mới dám làm chứ nghe lý thuyết thì hơi mơ hồ", ông Dũng chia sẻ thêm.

Đó là quan điểm của một người nông dân lớn tuổi khi nghe tuyên truyền về nông nghiệp sinh thái (NNST) đã chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, dẫn đến việc thực trạng người dân còn chưa được hiểu biết sâu về nhiều loại nông nghiệp, vẫn còn canh tác truyền thống từ xưa đến nay.

Chính vì những quan điểm như thế mà dự án ASSET của Mạng lưới Liên minh học tập Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) đã nhận thấy và đang chung tay nỗ lực mang các mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững đến với bà con ở các vùng Tây Bắc.

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 2.

Mạng lưới Liên minh học tập Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) đang chung tay cùng bà con phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững tại Tây Bắc và mong muốn được nhân rộng vấn đề này đến nhiều nơi hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Trang, Thư ký quốc gia ALiSEA, ALiSEA là một mạng lưới để quy tụ, thúc đẩy và phát triển các tri thức địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học với tất cả các bên liên quan trong xã hội/nền kinh tế như nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông, nhà kinh doanh, người tiêu dùng,.. để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động Nông nghiệp sinh thái ở khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, ALiSEA đã đồng hành cùng bà con tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, giúp phát triển một số mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững giúp bà con tạo ra được những chu trình nông nghiệp tuần hoàn và khép kín. 

Các hoạt động của ALiSEA tập trung vào việc hỗ trợ bà con cải thiện kỹ thuật canh tác, từ việc sử dụng phân bón hữu cơ, trồng xen canh cây đa dụng, đến việc xây dựng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và bảo vệ đất đai khỏi xói mòn,...

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 3.

Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa, thành viên của dự án ASSET đang đi thăm các mô hình áp dụng nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Điện Biên.

ALiSEA không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết, như xây dựng các trạm xử lý phụ phẩm nông nghiệp để tái chế thành phân hữu cơ, hay cung cấp giống cây trồng chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng cao. Đồng thời, các chuyên gia của mạng lưới còn tổ chức các lớp tập huấn thực hành tại các thôn bản, giúp người dân nắm vững quy trình canh tác bền vững, từ đó áp dụng hiệu quả vào sản xuất.

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 4.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phương, Đại học Tây Bắc/ điều phối viên dự án ASSET tại tỉnh Sơn La là người tận tình, nhiệt huyết truyền đạt các kiến thức sâu rộng về nông nghiệp sinh thái bền vững cho bà con ở Tây Bắc.

Ngoài ra, ALiSEA cũng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc liên kết bà con với thị trường tiêu thụ nông sản. Những sản phẩm như rau sạch, chè Shan, hay mắc ca được sản xuất theo quy chuẩn sinh thái đã dần xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn và được người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, mạng lưới này còn giúp bà con tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử, mở ra hướng tiêu thụ mới, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập.

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 5.

Anh Lò Văn Bun, chủ mô hỉnh trổng cỏ xen cây cà phê ở thôn Bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La được dự án ASSET hỗ trợ về kỹ thuật, cảm thấy rất biết ơn khi được tiếp cận với mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững, từ đó giúp gia đình anh ổn định cuộc sống và thu nhập hơn.

Bên cạnh đó, ALiSEA cũng chú trọng xây dựng ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Các chương trình như “Tái tạo đất đai – Trồng rừng gắn liền với nông nghiệp” hay “Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con, tạo ra sự thay đổi tích cực không chỉ trong canh tác mà còn trong cách họ nhìn nhận về bảo vệ tài nguyên tự nhiên.

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 6.

Từ việc còn lạ lẫm với các mô hình nông nghiệp sinh thái, chị Tòng Thị Mai Phuơng (thôn Bản Nam, Sơn La) đã thành thạo được cách ủ chua cỏ bằng men vi sinh, bảo quản trong túi chống nước cỡ lớn để làm thức ăn cho bò và dê trong cả năm nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật của dự án ASSET.

TS Lê Thúy Hằng, cán bộ Viện NIAS, giảng viên của dự án ASSET cho biết, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, dự án thực hiện các mô hình cải tiến tại nông hộ như đa dạng hóa và tăng sản lượng thức ăn thô xanh; thiết kế hệ thống trồng xen canh với thức ăn thô xanh; bảo quản thức ăn thô xanh bằng kỹ thuật ủ chua; nâng cao chất lương phân chuồng bằng cách ủ Compost phân hữu cơ và hỗ trợ việc áp dụng vào thực tế của bà con.

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 7.

TS Lê Thúy Hằng, giảng viên của dự án ASSET hướng dẫn bà con từng bước trong kỹ thuật ủ phân.

TS Lê Thúy Hằng vui mừng cho biết, khởi đầu dự án chỉ có 4 thôn bản thí điểm, 4 thôn bản mở rộng, đến nay (năm 2024) đã có 42 thôn bản với 400 hộ nông dân tham gia mô hình cải tiến thức ăn chăn nuôi, thức ăn ủ chua và phân hữu cơ, thông qua đó đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy phát triển “NNST, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Nhờ sự đồng hành của ALiSEA, bà con tại Sơn La và Điện Biên không chỉ cải thiện đáng kể năng suất nông nghiệp mà còn từng bước xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững – một hướng đi tất yếu để đối mặt với biến đổi khí hậu và những thách thức trong sản xuất hiện đại. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần ổn định đời sống và bảo tồn hệ sinh thái vùng Tây Bắc.

Hướng đi tất yếu, nhưng còn chưa được nhân rộng mạnh mẽ...

Việc phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững ở Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực vùng cao như Tây Bắc, đang dần khẳng định vai trò thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu cao về chất lượng nông sản. Tuy nhiên, nhìn vào những thành công bước đầu của AliSEA, có thể thấy rằng để mô hình này được nhân rộng, cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

AliSEA đã không chỉ đưa ra các lý thuyết về nông nghiệp sinh thái mà còn trực tiếp đến tận nơi, hướng dẫn người nông dân từng bước áp dụng các quy trình khép kín. Những mô hình mẫu thực tế đã giúp bà con không chỉ hiểu mà còn thấy rõ hiệu quả của việc áp dụng nông nghiệp sinh thái vào sản xuất.

Anh Lò Văn Ngoai, một nông dân tại Tuần Giáo, Điện Biên, chia sẻ: “Trước đây, nghe về nông nghiệp sinh thái, tôi thấy mơ hồ lắm, nhưng khi được các chuyên gia hướng dẫn tận nơi, "cầm tay chỉ việc" chỉ cho từng bước làm phân hữu cơ, trồng xen canh, tôi mới dám thử. Hiện tại, không chỉ đất vườn nhà tôi tốt hơn mà chă nuôi cũng khỏe mạnh, năng suất cao hơn trước".

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 8.

Máy băm cỏ và ép thức ăn gia súc do dự án ASSET trang bị cho gia đình anh Lò Văn Ngoai, tại Tuần Giáo (Điện Biên).

Việc hướng dẫn trực tiếp như vậy không chỉ giúp thay đổi thói quen canh tác truyền thống mà còn tạo niềm tin cho người nông dân rằng nông nghiệp sinh thái thực sự khả thi. Đây là điều mà các chương trình chỉ dừng ở lý thuyết không thể mang lại được.

Mặc dù AliSEA đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại một số địa phương như Sơn La, Điện Biên, nhưng phạm vi ảnh hưởng của dự án vẫn còn hạn chế. Với hàng triệu hộ nông dân trên cả nước, việc chỉ có một vài tổ chức như AliSEA tham gia vào hành trình này là chưa đủ.

Cần có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ không chỉ về kỹ thuật mà cả nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Những tổ chức này sẽ đóng vai trò trung gian, giúp bà con kết nối với các chuỗi giá trị lớn hơn, đưa sản phẩm nông nghiệp sinh thái ra thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, việc đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ và đầu tư vào những khu vực khó khăn hơn, nơi bà con ít được tiếp cận với công nghệ và kiến thức mới, cũng là điều cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, Thư ký quốc gia ALiSEA, chia sẻ: "Các chương trình hội thảo, tập huấn, và thậm chí là những buổi thăm quan thực tế tại các mô hình mẫu có thể giúp người dân hiểu sâu hơn về lợi ích của nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến như TikTok, Facebook, và các kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm sinh thái không chỉ giúp tăng giá trị nông sản mà còn khuyến khích nhiều nông dân khác tham gia vào mô hình này".

ASSET đang chung tay cùng người nông dân phát triển mô hình nông nghiệp gì ở Tây Bắc? - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Trang (bên trái), bên cạnh là bà Lò Thị Thuỷ chủ vườn mắc ca trồng xen cỏ giúp cải tạo đất tại Tuần Giáo, Điện Biên.

Nông nghiệp sinh thái, với giá trị vượt trội về chất lượng và sự thân thiện với môi trường, có thể trở thành nền tảng vững chắc giúp đạt được mục tiêu này. Khi người nông dân ngày càng am hiểu về các quy trình sản xuất bền vững, tận dụng tối đa nguồn lực tự nhiên và áp dụng những phương pháp canh tác hiện đại, nông sản Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế. 

Các sản phẩm sinh thái như gạo hữu cơ, chè Shan tuyết, rau sạch, và trái cây không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở ra tiềm năng lớn để thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, và Mỹ.