Dân Việt

Thử nuôi loài chim lớn nhất thế giới, ba nông dân Gia Lai đang chờ thu món tiền to

Vũ Chi 03/01/2025 08:43 GMT+7
Dẫu còn khá mới lạ với bà con nông dân song mô hình nuôi đà điểu thương phẩm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở địa phương.

Khu nuôi đà điểu của gia đình anh Đỗ Hoài Trung (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol) rộng gần 2.000 m2 được xây dựng kiên cố. Trong đó có 41 con đà điểu 4 tháng tuổi, mỗi con nặng khoảng 50 kg. Thỉnh thoảng, chúng phát ra những tiếng kêu khá lớn phá vỡ không gian yên tĩnh.

Tuy là loài chim khổng lồ nhưng đà điểu khá hiền. Gặp người lạ hoặc nghe tiếng động nhỏ cũng làm cả đàn xao động. Nhưng khi thấy không có nguy hiểm, chúng sẽ đến gần và làm quen với con người nhanh chóng.

Sau 4 tháng chăm sóc đàn đà điểu, anh Trung đã đúc rút một số kinh nghiệm bước đầu. Theo anh Trung, để nuôi đà điểu thành công thì phải hiểu rõ tập tính và môi trường sống của chúng để làm chuồng trại phù hợp.

“Do tôi chưa có kinh nghiệm nên khi mới nhập giống về, đàn đà điểu bị chết 2 con. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của vật nuôi giai đoạn này còn yếu, khi đà điểu ăn phải rơm khô thì bị tắc ruột. Vì vậy, giai đoạn này chỉ nên rải ít trấu để vệ sinh chuồng nuôi. Khi đà điểu được 1 tháng tuổi và ra ngoài môi trường thì nền cát lại trở thành môi trường sống lý tưởng của chúng”-anh Trung chia sẻ.

Nuôi đà điểu thương phẩm: Hướng đi mới của nông dân Phú Thiện - Ảnh 1.

Đàn đà điểu của gia đình anh Đỗ Hoài Trung (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol) đang phát triển khỏe mạnh. Ảnh: V.C

Cũng theo anh Trung, sân và chuồng cần rộng rãi để đà điểu chạy nhảy. Chuồng nuôi rải cát khô, sạch, bởi đà điểu có thói quen tắm cát giúp làm sạch cơ thể, loại bỏ ký sinh trùng. Đà điểu sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.

Thức ăn cho đà điểu rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, rau lang, rau muống. Đàn đà điểu tiêu thụ bình quân hơn 1 tạ thức ăn mỗi ngày. Vì vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho chúng, anh Trung trồng 2.000 m2 cỏ. Ngoài ra, anh bổ sung thêm cám viên giúp đà điểu mau lớn, tăng cường sức đề kháng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhường (thôn Hải Yên, xã Chư A Thai) cũng đang nuôi 36 con đà điểu trên diện tích 800 m2. Trước đây, toàn bộ diện tích này sử dụng để nuôi bò. Với mong muốn tìm hướng đi mới, ông đã mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi đà điểu thương phẩm.

Theo ông Nhường, so với các loài vật nuôi truyền thống tại địa phương, đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Chỉ cần chuồng trại sạch sẽ và tiêm vắc xin đầy đủ là đà điểu phát triển khỏe mạnh. Ngoài vốn đầu tư ban đầu về giống khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn nhiều như các loài vật nuôi khác.

Công chăm sóc cũng không nhiều vì thực tế mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 4 giờ để cắt cỏ, nghiền nát thức ăn và dọn vệ sinh chuồng trại. Nếu chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tốt dinh dưỡng thì đà điểu có thể xuất bán sau 10 tháng, trọng lượng trung bình đạt 1 tạ/con, giá bán hiện tại khoảng 80-100 ngàn đồng/kg.

“Tôi dự kiến sau khi bán bớt đà điểu thương phẩm sẽ giữ lại những con mái tốt để nhân đàn. Qua tìm hiểu, mỗi năm, đà điểu có thể đẻ 80 trứng, tỷ lệ nở khoảng 50%. Vì vậy, nếu kết hợp nuôi đà điểu thương phẩm và sinh sản sẽ tạo chuỗi khép kín, tăng lợi nhuận cho gia đình”-ông Nhường dự tính.

Nuôi đà điểu thương phẩm: Hướng đi mới của nông dân Phú Thiện - Ảnh 2.

Sau 4 tháng triển khai, mô hình nuôi đà điểu thương phẩm của huyện Phú Thiện đã cho tín hiệu khả quan, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương. Ảnh: V.C

Gia đình anh Trung, ông Nhường là 2 trong 3 hộ tham gia mô hình nuôi đà điểu thương phẩm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện triển khai năm 2024. Tổng kinh phí triển khai mô hình trên 572 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 385 triệu đồng, các hộ dân đối ứng trên 187 triệu đồng.

Mô hình bắt đầu triển khai từ cuối tháng 8/2024 với quy mô 100 con tại 3 hộ ở 2 xã Ia Sol và Chư A Thai. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 75 con giống, thức ăn công nghiệp, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi.

Tham quan mô hình, chị Phạm Thị Ngọc Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng đánh giá: Tuy còn mới mẻ song mô hình nuôi đà điểu thương phẩm khá phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân địa phương. Thịt đà điểu giàu dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng.

Ngoài ra, da, lông, móng vuốt, trứng đà điểu có thể sử dụng làm nguyên liệu cho ngành thời trang và đồ trang trí. Đây là hướng đi triển vọng cho bà con nông dân và thích hợp để nhân rộng trên địa bàn.

Đánh giá về mô hình, ông Kim Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: Sau 4 tháng triển khai, từ khi đà điểu còn nhỏ với trọng lượng 3 kg/con đã tăng lên 50 kg/con, tỷ lệ sống đạt 92%. Theo tính toán, đà điểu thương phẩm có thể xuất bán sau 10-12 tháng với trọng lượng 90-110 kg/con.

Hiện đơn vị cung cấp giống cam kết thu mua toàn bộ số lượng đà điểu thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi ước lãi gần 1,4 triệu đồng/con. Ngoài bán đà điểu thương phẩm, các hộ có thể nuôi đà điểu sinh sản để tăng thêm lợi nhuận.

“Mô hình nuôi đà điểu thương phẩm nhằm tạo sự đa dạng ngành chăn nuôi ở địa phương. Đây cũng là hướng làm giàu đối với những nhà nông muốn phát triển kinh tế trang trại hàng hóa.

Từ thành công bước đầu của mô hình, huyện tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân triển khai nhân rộng trong thời gian tới nhằm tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Lượng nhấn mạnh.

Đà điểu là loài chim lớn nhất và nặng nhất hiện còn tồn tại trên Trái đất. Mặc dù kích thước to lớn như vậy, chúng có thể chạy với tốc độ 70 km /h và thậm chí nhảy được các bước nhảy dài năm mét.