Dân Việt

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Tăng "phi mã" phiên thứ 3 của năm mới 2025

An Linh 03/01/2025 07:27 GMT+7
Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng mạnh, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2025. So với ngày hôm qua, giá dầu WTI và Brent đều tăng trên 1%, tiếp tục xu hướng tăng trưởng ấn tượng trong những ngày đầu năm.

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Bật tăng dữ dội

Tại phiên giao dịch thứ 3 của năm 2025, theo cập nhật lúc 6 giờ 43 phút (giờ Việt Nam) từ các trang TradingEconomics và Oilprice, giá dầu thô thế giới ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý. Cụ thể, dầu WTI đạt mức 73,1 USD/thùng, tăng mạnh 1,42 USD/thùng so với ngày trước đó, tương đương mức tăng gần 2% trong ngày. Trong khi đó, dầu Brent giao dịch quanh mức 75,9 USD/thùng, tăng 1,28 USD/thùng, tương ứng mức tăng 1,72% trong ngày.

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Tăng sốc phiên thứ 3 của năm mới 2025- Ảnh 1.

Giá dầu thô các loại đồng loạt bật tăng, sắc xanh ngập tràn trang giao dịch nhiên liệu thế giới (Ảnh: TradingEconomics).

So với bình quân giá dầu thô trong tháng 12/2024, giá dầu WTI và Brent trong những ngày đầu năm 2025 đã tăng mạnh, dao động từ 3,12% đến hơn 4,59%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng ba tháng gần đây.

Trong tuần qua, thị trường nhiên liệu biến động đáng kể, chủ yếu do tồn kho dầu thô của Mỹ giảm. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2025 và xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, tạo sức ép lên giá xăng dầu. Kết quả, bình quân 7 ngày qua, giá xăng thành phẩm tăng từ 1,1-1,2%, trong khi giá dầu tăng khoảng 1%.

Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 26/12/2024 - 01/01/2025) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, Ngân hàng Thế giới WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2025, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng nhưng xu hướng tăng là chủ yếu.

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Tăng sốc phiên thứ 3 của năm mới 2025- Ảnh 2.

Dầu thô ngọt nhẹ Brent tăng rất mạnh tại thị trường Hoa Kỳ (Ảnh: TradingEconomics).

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 26/12/2024 và kỳ điều hành ngày 02/01/2025 là: 81,305 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 0,982 USD/thùng, tương đương tăng 1,22%); 84,605 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,932 USD/thùng, tương đương tăng 1,11%); 87,998 USD/thùng dầu hỏa (tăng 0,688 USD/thùng, tương đương tăng 0,79%); 89,478 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (tăng 0,665 USD/thùng, tương đương tăng 0,75%); 452,470 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 4,402 USD/tấn, tương đương tăng 0,98%).

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Giá xăng dầu bật tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 3/1: Tăng sốc phiên thứ 3 của năm mới 2025- Ảnh 3.

Giao dịch tương lai dầu thô cũng biến động tăng mạnh (Ảnh: OilPrice).

Giá xăng dầu hôm nay 3/1 được điều chỉnh theo giá xăng dầu ngày 2/1. Theo đó, 15 giờ ngày 2/1, liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu định kỳ.

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng trong năm mới.

- Giá xăng E5 RON 92 tăng 240 đồng/ lít, giá bán lẻ hơn 20.057 đồng;

- Giá xăng RON 95 tăng hơn 199 đồng/ lít, giá bán lẻ hơn 20.746 đồng/ lít;

- Dầu diesel tăng 125 đồng, giá bán lẻ vượt 18.755 đồng/ lít;

- Giá dầu hỏa tăng 126 đồng, giá bán lẻ hơn 18.834 đồng/ lít;

- Giá dầu mazut tăng 129 đồng/ lít, giá bán lẻ vượt 16.099 đồng/ lít.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên; biến động của: tỷ giá VND/USD, thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, giá E100 bình quân và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.