Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", ngày 31/12/2024. Bảo hiểm Agribank vinh dự tham dự, đồng hành cùng sự kiện.
Thủ tướng đề nghị các hợp tác xã và bà con nông dân tích cực tham gia bảo hiểm
Tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp trong việc giảm thiểu rủi ro cho nông dân, đặc biệt là những hộ sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, bà Gái cũng chỉ rõ những khó khăn trong việc tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp hiện nay và đặt câu hỏi thẳng thắn: "Chính phủ sẽ có chính sách gì để tháo gỡ khó khăn và khắc phục các vướng mắc trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp?".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đã khẳng định vai trò quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp trong việc bảo vệ nông dân trước rủi ro thiên tai. Ông nhấn mạnh: Qua cơn bão số 3, chúng ta mới thấy rõ vai trò của bảo hiểm nông nghiệp. Nếu không tham gia bảo hiểm, khi gặp thiên tai, bà con sẽ không thể thu hồi vốn. Thủ tướng đề nghị các hợp tác xã và bà con nông dân tích cực tham gia bảo hiểm.
Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại về mâu thuẫn khi giải ngân bảo hiểm tăng 19–20% so với năm ngoái, nhưng số người tham gia bảo hiểm lại giảm. Ông yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra chính sách thực tế, hiệu quả để bảo hiểm nông nghiệp đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc "đóng – hưởng" để thúc đẩy nông nghiệp xanh và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nông dân, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, gắn kết trong chuỗi giá trị.
Đề xuất từ đại diện Bảo hiểm Agribank
Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank (ABIC), thừa nhận bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ tài sản và nguồn lực sản xuất, đặc biệt trước những rủi ro thiên tai. Ông đề xuất một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đưa bảo hiểm nông nghiệp đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một là: Tạo cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan như: Ngân hàng, hội nông dân, HTX, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm để tạo ra chuỗi liên kết giá trị giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp từ đầu vào đến đầu ra.; Gắn hợp đồng bảo hiểm là một khâu không thể thiếu trong chuỗi liên kết để người sản xuất nông nghiệp được hưởng cơ chế chính sách của nhà nước.
Hai là: Tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm không chỉ tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo mà nâng mức hỗ trợ cho người sản xuất tham gia mô hình Liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp.Đặc biệt, cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân có tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đều cần chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho người sản xuất nông nghiệp; Mở rộng phạm vi các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phí không chỉ đối tượng sản xuất nông nghiệp mà còn bảo hiểm con người, tài sản trong sản xuất nông nghiệp.
Ba là: Xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia chuỗi liên kết chi trả bồi thường khi xảy ra thiên tai thảm họa vượt quá khả năng chi trả.
Bốn là: Lựa chọn một mô hình doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai các hoạt động bảo hiểm cả hình thức thương mại và hình thức có hỗ trợ từ Ngân sách để thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách của Nhà nước vào khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn.
"Nếu được, Bảo hiểm Agribank xin xung phong là doanh nghiệp thí điểm triển khai mô hình bảo hiểm nông nghiệp này vì Bảo hiểm Agribank hiện nay đã được Bộ Nông nghiệp lựa chọn là 1 thành viên trong liên kết chuỗi giá trị triển khai dự án 1 triệu ha lúa cao sản, dự án phát triển 05 vùng nguyên liệu, dự án tài trợ rủi ro biến đổi khi hậu. Bảo hiểm Agribank cam kết "Đồng hành bền vững cùng tam nông"", ông Hoàng nhấn mạnh.
Năm là: Chia sẻ các dữ liệu trong sản xuất nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm để lượng hóa mức độ rủi ro định phí bảo hiểm, phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm, nâng cao chất lượng công tác đánh giá mức độ tổn thất khi có thiên tai rủi ro để doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng trong công tác bồi thường.
Sáu là: Có chính sách cụ thể khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội(Điều 5 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022). Đặc biệt, tháo gỡ các rào cản pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp, các ngân hàng tham gia phát triển hoạt động bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp – nông thôn (tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm đa dạng nhiều hình thức như bán lẻ bảo hiểm, bán chéo hoặc bán gói các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong đó có bảo hiểm…).
Những đề xuất này hướng đến xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm nông nghiệp toàn diện, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
Bảo hiểm Agribank là một trong những doanh nghiệp tích cực nhất trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp. Hiện, bảo hiểm Agribank đang cung cấp rất nhiều sản phẩm bảo hiểm cho người nông dân, trong đó có sản phẩm bảo an tín dụng được rất nhiều khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lựa chọn.
Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mới đây bảo hiểm Agribank triển khai sản phẩm bảo hiểm thiệt hại cây lúa của Bảo hiểm Agribank được xây dựng ở mức phí hợp lý (chỉ từ 1%), giúp người dân có thể tham gia bảo hiểm mà không lo lắng về chi phí. Thêm vào đó, dựa trên ưu thế mạng lưới đại lý bảo hiểm là hệ thống Agribank rộng khắp và đội ngũ tư vấn tận tâm, Bảo hiểm Agribank cam kết sẽ đồng hành cùng người nông dân trong quá trình sản xuất lúa, bảo vệ toàn bộ mùa vụ trong suốt một năm canh tác với nhiều vụ gieo trồng, hỗ trợ bồi thường nhanh chóng và minh bạch lên tới 20 triệu đồng/ha, đảm bảo an tâm cho bà con nông dân khi đối mặt với rủi ro.