Dân Việt

Bài toán khó trong giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Nai

Nguyên Vỹ 03/01/2025 16:16 GMT+7
Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai còn khiêm tốn, nhất là ở các công trình, dự án trọng điểm. Kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai dù nhiều lần gia hạn vẫn chưa được như mong muốn.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai còn khiêm tốn

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai còn khiêm tốn là một trong những nội dung chính được thảo luận để tìm giải pháp khắc phục tại hội nghị tổng kết Ngành Tài nguyên và Môi trường của tỉnh Đồng Nai năm 2024, tổ chức ngày 3/1.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 9/12/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng, đạt hơn 54% kế hoạch và đạt hơn 67% theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.

Đồng Nai: Kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vẫn chưa như mong muốn - Ảnh 1.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tổng kết công tác năm 2024 và đề ra nhiệm vụ cho năm 2025. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn khiêm tốn có nhiều nguyên nhân. Một trong các nguyên nhân chính được chỉ ra có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, dự án thành phần 4 của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TP.HCM, dự án đường ven sông Cái và đường trục trung tâm thành phố Biên Hoà.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai. Và tỉnh có gia hạn thời gian thực hiện, tập trung mọi nguồn lực, nhân lực giải quyết nhưng đến nay, kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật về đất đai trong thời gian qua có nhiều thay đổi, phải thực hiện điều chỉnh các nội dung về bồi thường thuộc thẩm quyền của địa phương cho phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh, dẫn đến áp lực, khó khăn trong việc bố trí nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện.

Đồng Nai: Kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vẫn chưa như mong muốn - Ảnh 2.

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một số khó khăn, vướng mắc phát sinh ngoài quy định của pháp luật phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Nỗ lực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai năm 2025

Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thống Nhất, việc xác định nguồn gốc đất do lịch sử để lại gặp nhiều khó khăn nên địa phương chậm tiến hành bồi thường.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch huyện Tân Phú cho biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại. Trong đó có nhiều đơn thư liên quan đơn giá đất. Một số hộ dân cho rằng đơn giá không phù hợp.

Vấn đề tái định cư cũng là khó khăn ở huyện Tân Phú khi không có sẵn, hoặc chưa bố trí quỹ đất nên người dân chậm giao đất.

Lãnh đạo UBND huyện Xuân Lộc cũng cho rằng, việc xác định giá đất cụ thể là vấn đề khó, khiến nhiều dự án chậm triển khai đầu tư.

"Đến khi có đơn giá rồi thì đơn giá này vẫn không thể tiếp cận được giá thực tế thị trường. Chính quyền địa phương phải thực hiện giải pháp vừa vận động, vừa cưỡng chế thu hồi đất", ông nói.

Đồng Nai: Kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm vẫn chưa như mong muốn - Ảnh 3.

Lãnh đạo các địa phương nêu khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai còn khiêm tốn có phần nguyên nhân lớn từ chính các đơn vị chức năng.

Các địa phương chưa chủ động giải quyết các thủ tục theo thẩm quyền của UBND huyện theo quy định, dẫn đến kéo dài thời gian, chờ cơ quan cấp tỉnh có ý kiến.

Việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường ở tỉnh và các huyện còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Công tác tham mưu, xử lý một số nội dung phức tạp, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các trường hợp cụ thể còn chưa kịp thời.

Ông Đức đề nghị các đơn vị chức năng, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, có giải pháp để năm 2025 và các năm tiếp theo cùng phối hợp, thực hiện tốt hơn công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.