Trong số 33 Bảo vật Quốc gia mới được công nhận có một hiện vật rất đặc biệt, gắn với vương triều nhà Lý chính là Đầu phượng có niên đại thế kỷ 11-12 hiện lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Đại diện Hoàng thành Thăng Long cho biết, bộ sưu tập đầu phượng thời Lý vừa được công nhận Bảo vật quốc gia là những khối tượng tròn với nhiều kích thước khác nhau. Đầu phượng thể hiện phượng ở tư thế chuyển động. Bờm chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước.
Mỏ dài, má phình rộng, mào hình lá đề lệch, hướng về phía trước. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm.
Sưu tập Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long được làm bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay.
Sưu tập Đầu phượng thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc phát hiện trong lòng đất Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần. Tất cả các hiện vật đều được phát hiện tại những vị trí có địa tầng ổn định, không bị xáo trộn bởi các thời kỳ sau.
Theo đó, tại khu vực 18 Hoàng Diệu đã phát hiện một hệ thống kiến trúc thời Lý có quy mô lớn, kết nối liên hoàn tạo thành một quần thể khép kín. Hệ thống công trình kiến trúc thời Lý này được thời Trần tu bổ, sửa chữa và tiếp tục sử dụng.
Hình thái bộ mái Cung điện thời Lý. Ảnh: HTTL
Tùy vào vai trò và vị trí của mỗi công trình kiến trúc mà nó được trang trí khác nhau, những kiến trúc quan trọng đều được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, đặc biệt là bộ mái kiến trúc.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trang trí trên bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần hết sức cầu kỳ với nhiều thành tố khác nhau, những thành tố trang trí căn bản trên bộ mái thời Lý, Trần thường có: lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/đầu phượng, lá đề lệch…
Các đầu phượng thuộc bộ sưu tập này được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần. Do vậy, sưu tập Đầu phượng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà nó còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI - XII.
Sưu tập Đầu phượng thể hiện giá trị biểu trưng của lịch sử kiến trúc Đại Việt thời Lý
Theo các chuyên gia của Hoàng thành Thăng Long, phượng và rồng là những biểu tượng của hoàng gia, trong đó phượng thường được gắn với hoàng hậu. Hình ảnh của cặp đôi phượng - rồng biểu thị cho hạnh phúc viên mãn. Với những ý nghĩa biểu trưng như vậy, việc sử dụng hình tượng chim phượng trang trí trên kiến trúc thời Lý và thời Trần sau đó dường như cũng phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật, điêu khắc thời Lý - Trần.
Mặc dù tiếp thu các ý nghĩa biểu trưng quan trọng của hình tượng chim phượng từ Trung Hoa nhưng hình dáng và cấu trúc của phượng thời Lý nói chung và Sưu tập Đầu phượng Thăng Long thời Lý phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long nói riêng lại có những nét khác biệt so với hình tượng chim phượng của các nước khác.
So sánh giữa đầu phượng thời Lý với đầu phượng thời Trần và thời Hồ sau đó cũng thấy có nhiều sự khác biệt. Đầu phượng thời Lý và đầu phượng thời Trần thường có cấu trúc tương đồng nhau nhưng đi vào chi tiết thì các chi tiết hoa văn trang trí trên đầu phượng thời Lý được làm tỉ mỉ và kỹ càng hơn.
Các họa tiết thường được khắc trực tiếp liền khối trong khi họa tiết trên đầu phượng thời Trần ngày càng có xu hướng đơn giản hóa. Đầu phượng giai đoạn cuối thời Trần đến thời Hồ có sự thay đổi cả về cấu trúc, kỹ thuật tạo dựng, thân thường được kéo dài; tượng là một khối rỗng nhằm làm giảm trọng lượng của đầu phượng, chi tiết hoa văn trên đầu được kẻ, vẽ thay vì được điêu khắc chi tiết như đầu phượng thời Lý và đầu thời Trần. Điều đó tạo nên nét riêng biệt của nghệ thuật thời Lý.