Dân Việt

Vụ chủ Mái ấm Hoa Hồng Giáp Thị Sông Hương bị bắt, có thể bị xử lý ra sao?

Quang Trung - Phi Long 04/01/2025 18:48 GMT+7
Bà Giáp Thị Sông Hương, chủ Mái ấm Hoa Hồng bị cáo buộc hành hạ nhiều trẻ mồ côi trong thời gian dài chăm sóc các bé. Luật sư đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Công an bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng Giáp Thị Sông Hương

Ngày 3/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng) về tội Hành hạ người khác. Cùng tội danh này, cảnh sát khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (SN 1953, là bảo mẫu tại mái ấm).

Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra trong quá trình mở rộng sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian chăm sóc các cháu, bà Hương và Nhanh đã có những hành vi "đe dọa, đối xử tàn ác, đánh tất cả 30 cháu bé tại phòng 102 và lặp đi lặp lại nhiều lần".

Trước đó, hồi tháng 9/2024, hai bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền đã bị bắt tạm giam về tội Hành hạ người khác.

Kết quả điều tra cho thấy, các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng chăm sóc nhiều trẻ sơ sinh đến vài tháng tuổi. Tuy nhiên, hàng đêm, các bé bị bà Cẩm và một số bảo mẫu đánh, xách tay chân, ném, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp; có bé bị đánh chảy máu miệng...

Khai với cơ quan điều tra, những phụ nữ này thừa nhận trong quá trình chăm sóc các trẻ đã nhiều lần đánh để "các cháu sợ, không quấy phá".

Vụ chủ Mái ấm Hoa Hồng Giáp Thị Sông Hương bị bắt vì ăn bớt sữa từ thiện, có thể bị xử lý ra sao?- Ảnh 1.

Bà Giáp Thị Sông Hương tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động, nuôi dưỡng 39 trẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra có đến 86 trẻ em, gồm 15 bé dưới một tuổi; 37 bé 1-3 tuổi; 31 bé học mầm non bên ngoài; 3 bé đang nằm bệnh viện.

Toàn bộ trẻ đã được đưa về các cơ sở công lập chăm sóc, gồm: Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

Cơ quan điều tra đang làm rõ nhiều dấu hiệu cho thấy những mặt hàng như sữa, bỉm... dành cho các bé bị các nhân viên tại đây mang ra ngoài bán lại.

Chủ Mái ấm Hoa Hồng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các bảo mẫu của cơ sở này đã có hành vi chửi bới, đe dọa, đánh đập, hành hạ nhiều trẻ em, có những em mới vài tháng tuổi cũng bị đánh đập rất tàn nhẫn.

Đây là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng đối với các em. Ngay cả những em không bị đánh đập, hành hạ nhưng phải chứng kiến cảnh bạo hành, tra tấn như vậy cũng ảnh hưởng về tư duy, nhận thức và phát triển nhân cách.

Bởi vậy, tất cả những người có cùng ý chí thực hiện hành vi bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội hành hạ người khác.

Trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy chủ cơ sở đã biết về hành vi hành hạ người khác của các bảo mẫu nhưng không ngăn cản mà còn tiếp tay giúp sức cho những người này hành hạ các cháu, hoặc trực tiếp có những lời nói, hành vi đe dọa, xúc phạm đến các cháu nhỏ thì có căn cứ để xử lý người này với vai trò đồng phạm.

Thậm chí còn có thể xác định là người chủ mưu, dung túng cho hành vi bạo hành trẻ em suốt một thời gian dài.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ sự ảnh hưởng của Giáp Thị Sông Hương đối với hành vi hành hạ người khác, nhận thức và thông tin của người này về hành vi vi phạm pháp luật của các bị can khác để làm căn cứ xác định vai trò đồng phạm ở đây là chủ mưu, giúp sức hay là người thực hành (người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội).

Ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc, bảo mẫu đánh đập, hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm, xâm phạm đến thân thể của học sinh (các cháu nhỏ) gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe nhưng chưa được xác định là hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị xử lý về tội danh này. Người thực hiện hành vi hành hạ người khác sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 3 năm tù.

Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các hình thức "phông bạt", đánh bóng tên tuổi, kêu gọi từ thiện và sử dụng tiền, tài sản của các nhà hảo tâm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, ăn bớt tiền của các cháu do các nhà hảo tâm ban tặng, những người này có thể bị xử lý hình sự thêm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội Tham ô tài sản.