Làng trống Bắc Thai, xã Thạch Hội (TP Hà Tĩnh) có tuổi đời hơn 100 năm, là làng trống duy nhất tại tỉnh Hà Tĩnh. Sản phẩm trống được sản xuất nơi đây có chất lượng bền, đẹp cùng với tiếng kêu tròn vang đặc trưng nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Theo các cụ cao niên trong làng, khoảng năm 1929, nghề làm trống làng Bắc Thai được ông Bùi Chỉ du nhập từ Thanh Hóa về. Đến nay, làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, tạo nguồn thu nhập chính cho bà con địa phương. Hiện, làng Bắc Thai có khoảng 25 hộ gia đình với hàng chục nhân công tay nghề cao chuyên nghề làm trống và kinh tế đều khá giả.
Dịp cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng trống lại rộn vang tiếng búa, tiếng đẽo để kịp cung ứng cho thị trường. Theo người dân, năm nay, lượng khách hàng tăng mạnh từ 20 - 30% tuỳ theo từng hộ.
Tỉ mẩn làm những chiếc trống để kịp giao cho khách hàng, ông Bùi Văn Tráng, ở làng Bắc Thai, cho biết: "Tính đến nay gia đình tôi đã có 6 đời làm trống, tôi được ông cha để lại kinh nghiệm và sẽ cố gắng phát huy truyền thống này của gia đình. Tháng cao điểm cuối năm, gia đình tôi có thể làm được khoảng 20 chiếc trống, giá giao động từ 2-40 triệu đồng (tùy kích cỡ).
Dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công thời vụ với mức giá 500.000 đồng/ngày, làm việc xuyên ngày đêm mới kịp giao hàng giao cho khách. Lượng khách hàng đến từ các trường học, dòng họ, đoàn biểu diễn... Theo đà này, trung bình mỗi hộ có thể kiếm hàng chục triệu đồng trong tháng cận Tết".
"Trống được cấu tạo bởi 3 bộ phận: thân trống làm bằng gỗ mít, mặt trống làm bằng da bò, cây song để cố định thân trống. Để có được một chiếc trống tốt, yêu cầu phải làm bằng gỗ mít có tuổi từ trên 50 năm, da trống được lấy từ bò mẹ đã đẻ nhiều lứa.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 là mùa cao điểm của nghề làm trống. Bên cạnh mua sắm trống mới, nhu cầu chỉnh trang trống cũ như thay mặt trống, nịt trống, đánh sơn... khá cao. Tuỳ kích cỡ cùng hạng mục thay thế, giá tiền để "bảo dưỡng" một bộ trống từ vài trăm cho tới cả triệu đồng", ông Bùi Văn Đỉnh, 72 tuổi, ở làng Bắc Thai bật mí.
Theo ông Bùi Văn Đỉnh, một chiếc trống chất lượng phải trải qua 3 bước chính là làm da, chang và bưng trống. Da trống được làm từ da bò mẹ tươi, không ướp hóa chất mới tạo ra được tiếng trống tròn vang, mặt trống bền, đẹp. Gỗ mít mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ khi thay đổi thời tiết nên được chọn làm thân trống.
Trong các công đoạn trên, bưng trống là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của trống. Muốn trống có âm thanh tốt, trong quá trình bưng trống người thợ liên tục vừa căng da vừa đánh trống cho đến khi được âm thanh mong muốn. Để làm được như vậy, người làm trống phải có đôi tai nhạy cảm với tiếng trống và thâm niên lâu năm trong nghề mới làm được. Da bò được căng tròn hết cỡ trên mặt trống, sau đó đóng đinh chốt bằng tre già xung quanh thân trống.
Tuy đơn đặt hàng nhiều, thời gian gấp rút nhưng người tại đây sản xuất vẫn giữ nguyên đầy đủ quy trình (mất từ 7-10 ngày) để đảm bảo chất lượng từng loại trống.
Giá bán của trống Bắc Thai tùy vào kích cỡ, yêu cầu của khách. Hiện tại, trống con có giá hơn 500.000 đồng/cái, còn các loại trống lớn hơn dao động từ 3 -12 triệu đồng/cái. Nhiều loại trống đặt hàng theo các kích cỡ, hình thức đặc biệt có thể lên tới 40 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phan Thị Hoài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hội, cho biết: "Dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lượng khách đặt hàng tăng mạnh so với mọi năm từ 30 - 40%, các hộ sản xuất phấn khởi và hối hả trả đơn. Tuỳ theo nhu cầu mua trống của khách, các hộ dân sản xuất đa dạng chủng loại, giá tiền từ vài trăm tới hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, có những hộ nhận làm theo đơn hàng một số loại trống giá thành từ 35 - 40 triệu/cái. Theo tình hình cung cầu năm nay, những hộ sản xuất trống sẽ có một cái Tết ấm no".
"Để gìn giữ làng nghề làm trống cổ truyền Bắc Thai, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã làm trống, kết nối giúp người dân trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ. Tuy nhiên, lực lượng nhân công làm trống ngày càng già hoá, các thế hệ sau không mấy mặn mà, làng nghề có thể đứng trước nguy cơ thất truyền", bà Phan Thị Hoài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hội, nói.