Ngày 4/1, thông tin mà phóng viên Dân Việt có được, ông Cao Văn Cho, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xin ngưng hoạt động nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường từ 18 giờ ngày 3/1.
Theo doanh nghiệp này, đến nay công ty đã hoàn toàn mất khả năng tài chính, không thể tiếp tục thực hiện việc đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh còn lại trong thời gian quý I năm 2025 như dự án ban đầu đã cam kết.
Liên quan đến việc này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND TP. Đà Lạt tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh về việc xử lý rác thải cho đến khi có phương án khác.
Tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xem xét đề nghị của doanh nghiệp nói trên, từ đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp.
Tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường, Dân Việt đã nhiều lần thông tin về phản ánh của người dân liên quan đến tình trạng ô nhiễm trong quá trình xử lý rác. Khu vực chứa rác của nhà máy trên có khối lượng rất lớn rác và mùn nhỏ được chất đống "như núi" trên một quả đồi.
Bên dưới "núi rác" trên là nhiều diện tích cà phê của người dân. Từng trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Đức Vinh (người dân có vườn trồng 2 ha cà phê gần Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường) cho biết: "Do nước chảy từ bãi rác xuống dòng suối đã làm cho chúng tôi không có nước để tưới cũng như phun thuốc cho vườn cà phê.
Chính vì vậy, người dân chúng tôi phải dùng những thùng 30 lít để chở nước từ bên ngoài vào để phun thuốc cho cây trồng nhưng cũng không ăn thua. Trước đây, 1 ha thì gia đình tôi thu hoạch được khoảng 15 tấn cà phê tươi, nhưng vài năm trở lại đây thì chỉ thu hoạch được 2-3 tấn".
Trong khi đó, đã có ít nhất 2 lần một khối lượng rác rất lớn đã bị sạt lở xuống diện tích trồng cà phê của người dân bên dưới. Việc này đã làm cà phê, hoa màu của người dân bị vùi lấp.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải tại địa phương, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Lâm Đồng vào tháng 10/2024, ông Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho rằng: "Nhìn từ thực tiễn, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 1.000 tấn rác cần xử lý. Thế nhưng, Lâm Đồng chưa có các quy hoạch những nhà máy rác công nghệ cao. Tại địa phương mới chỉ có 3 nhà máy xử lý rác tại TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Quy hoạch các nhà máy xử lý rác là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong năm 2025. Đã làm nhà máy rác là phải xử lý được tối đa, không chiếm nhiều diện tích, không có mùi, khói bụi để ảnh hưởng đến xung quanh".
Ông Trần Hồng Thái cũng cho rằng, với quy mô, yêu cầu trên thì không thể chia nhỏ các nhà máy rác "cát cứ" theo từng huyện mà phải có những nhà máy rác tập trung với quy mô trên 500 tấn mỗi ngày. Chính vì vậy, doanh nghiệp mới đầu tư công nghệ cao vào nhà máy.
"Theo tôi được biết, quy trình xử lý rác công nghệ cao thì phải xây dựng hết 2 năm. Chúng ta đã chậm mười mấy năm nên phải làm cho bằng được...", ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.