Dân Việt

Vì một kỹ nữ, vị tướng “cầm” 10 vạn quân mở cửa biên giới Trung Hoa, đầu hàng Mãn Thanh?

Nhật Minh 06/01/2025 22:17 GMT+7
Chuyện Ngô Tam Quế, tướng nhà Minh trấn thủ biên cương, chỉ vì nàng kỹ nữ Trần Viên Viên mà quyết định đầu hàng, mở đường đưa quân Mãn Châu vào Trung Nguyên là điều được nhắc tới nhiều lần trong các tài liệu lịch sử Trung Quốc. Nhưng sự thật có đúng như vậy?

Vì một kỹ nữ, vị tướng "cầm" 10 vạn quân mở cửa biên giới Trung Hoa, đầu hàng Mãn Thanh?

Cuối thời Minh, triều đỉnh hủ bại, đất nước chịu cảnh hạn hán, thiên tai dẫn đến đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Dân đói ở nhiều khu vực nổi dậy, áp dụng chiến thuật du kích khiến binh lực nhà Minh tổn hại nghiêm trọng. Năm 1633, thủ lĩnh lực lượng nông dân là Sấm vương Cao Nghênh Tường bị tướng Minh Tôn Truyền Đình giết, Lý Tự Thành kế vị làm Sấm vương.

Sau 10 năm khởi nghĩa nông dân, đội quân nông dân của Lý Tự Thành chiếm thành Tây An. Lý Tự Thành tự xưng hoàng đế, lập nhà Đại Thuận.

img

Ngô Tam Quế có mối tình với nàng kỹ nữ Trần Viên Viên. Ảnh minh họa.

Đầu năm 1644, Lý Tự Thành tiến đánh kinh đô Bắc Kinh. Ngày 26/4/1644, hoàng đế nhà Minh là Sùng Trinh (Minh Tư Tông), 33 tuổi, treo cổ chết để lại những dòng chữ tuyệt mệnh: "Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, xõa tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, chỉ mong đừng xâm phạm mộ tổ, đừng làm hại tới con dân của trẫm".

Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế khi đó chỉ huy 10 vạn quân phòng thủ ở Sơn Hải Quan, một trong các cửa ải chính của Vạn lý trường thành, ngăn quân Thanh ở phía Bắc.

Theo Minh sử do nhà Thanh biên soạn, Ngô Tam Quế toan kéo quân về Bắc Kinh, đến nửa đường thì nhận tin cấp báo: Kinh đô thất thủ, hoàng đế Sùng Trinh tự vẫn. Ngô Tam Quế được Lý Tự Thành cử người tới dụ hàng nên trong lòng dao động.

Nhưng khi biết tin ái thiếp là Trần Viên Viên bị Lưu Tông Mẫn, một tướng dưới quyền Lý Tự Thành chiếm đoạt, gia quyến cũng bị bắt thì Ngô Tam Quế quay sang xin đầu hàng quân Mãn Thanh.

img

Một đoạn Vạn lý trường thành ở Sơn Hải quan, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo trang mạng Trung Quốc Sohu, câu chuyện này được lan truyền rộng rãi từ thời nhà Thanh. Có ý kiến cho rằng, nhà Thanh sở dĩ dễ dàng kiểm soát Trung Hoa trong biến loạn là nhờ mỹ nữ Trần Viên Viên của Ngô Tam Quế. Trần Viên Viên trước đây từng là kỹ nữ lầu xanh trước khi vào cung và sau này là vợ lẽ của Ngô Tam Quế. Nhưng có phải biến cố xảy ra giúp quân Thanh tiến vào Trung Nguyên là nhờ Trần Viên Viên?

Theo trang mạng Sohu, nếu Ngô Tam Quế có thể tự mình lên tiếng, chắc hẳn vị tướng này sẽ nói: "Ai mà muốn đầu hàng Lý Tự Thành cơ chứ".

Đa Nhĩ Cổn, nhiếp chính vương nhà Thanh, sau này từng viết trong mộ lá thư: "Lý Tự Thành tự xưng hoàng đế ở Trung Nguyên, cử người lôi kéo Ngô Tam Quế về phe mình nhưng Ngô Tam Quế hoàn toàn không đồng ý".

Xia Yunyi, một học giả cuối thời Minh, đầu thời Thanh, cũng có ghi chép tương tự: "Đội quân của Sấm vương Lý Tự Thành có lôi kéo Ngô Tam Quế như thế nào cũng không thành".

Theo quan điểm của các sử gia, Lý Tự Thành và thuộc hạ không đủ sức thành lập chính quyền, duy trì trật tự, tạo ra một triều đình có kỷ cương, tuân theo lễ giáo để có thể kế thừa nhà Minh. Ngô Tam Quế sẽ không chọn theo hàng một người như vậy.

Ở thời điểm nhà Minh sụp đổ, Ngô Tam Quế đã quyết tâm đầu hàng quân Thanh. Trần Viên Viên có bị quân của Lý Tự Thành bắt hay không cũng không ảnh hưởng tới quyết định này, Sohu nêu quan điểm.

Nhưng tại sao Ngô Tam Quế, tướng trấn thủ biên giới, người chiến đấu rất nhiều trận với quân Thanh trong nửa đầu cuộc đời, lại quyết tâm đầu hàng đến vậy?

img

Bát Kỳ - đội quân nổi tiếng anh dũng, thiện chiến của nhà Thanh.

Trong giai đoạn cuối thời hoàng đế Sùng Trinh, do khó khăn chồng chất trong nước, quân đội nhà Minh đã suy yếu đáng kể. Tuy hoàng đế ngày đêm thức khuya dậy sớm, cố sức giữ kỷ cương nhưng trong triều đình có các phe phái tranh đấu liên tục. Ở các địa phương, quân sĩ bị lực lượng nông dân khởi nghĩa tấn công gây thương vong, dẫn đến đào ngũ. Các tướng lĩnh lại tỏ ra bất tài, ai nấy chỉ biết mình, không không hỗ trợ lẫn nhau.

Quốc khố nhà Minh đã cạn kiệt từ thời Vạn Lịch đế, quan lại và quý tộc đua nhau tham nhũng nên thế nước cứ mỗi ngày một đi xuống.

Ở vùng biên cương, Ngô Tam Quế vất vả chống đỡ các cuộc tấn công của Hoàng Thái Cực và Đa Nhĩ Cổn. Nhiều lần đẩy lùi quân Thanh thành công khiến Ngô Tam Quế hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Với một triều đình nhà Minh suy yếu và tham nhũng tràn lan như vậy, liệu Ngô Tam Quế có giữ được Sơn Hải Quan lâu dài?

Trước cuộc biến loạn của Lý Tự Thành 2 năm, Tổ Đại Thọ (Zu Dashou), chú của Ngô Tam Quế, người từng được Viên Sùng Hoán ca ngợi là một trong Liêu Đông tam kiệt, cũng vất vả chống quân Thanh nhưng bất thành để rồi hai lần đầu hàng Hoàng Thái Cực.

Trong lần thứ hai bị bắt, Tổ Đại Thọ đứng trước Hoàng Thái Cực, xin được chết. Hoàng Thái Cực là hoàng đế sáng lập triều đại nhà Thanh, nói với Đại Thọ: "Ngươi phản bội ta vì chủ của ngươi, vì vợ con dòng họ của ngươi. Trẫm thường nói với các đại thần: Nếu Đại Thọ mà không chết, về sau lại đầu hàng thì trẫm nhất định không giết. Việc cũ đã qua, từ nay về sau gắng sức vì trẫm mà làm việc".

Hoàng Thái Cực bất chấp gièm pha, để Đại Thọ làm tổng binh, chỉ huy đại quân với mục đích gây sức ép với các tướng lĩnh nhà Minh ở biên giới.

Đại Thọ từng viết thư chiêu hàng Ngô Tam Quế. Ban đầu, Tam Quế đáp thư không muốn theo. Theo Sohu, không chỉ có chú mà những người họ hàng khác của Ngô Tam Quế cũng lần lượt đầu hàng quân Thanh, thuyết phục đổi phe, gồm anh trai Ngô Tam Phụng, chú Bùi Quốc Trân và người anh họ Hồ Hoằng Tiên.

Hoàng Thái Cực cũng từng gửi thư, nhiệt tình vận động Ngô Tam Quế phục vụ triều Thanh. Chỉ cần nhìn vào danh sách người thân ở trên cũng có thể nhận thấy nền tảng của Ngô Tam Quế trong triều Thanh vốn đã rất vững chắc, Sohu nhận định.

img

Tượng Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên ở tỉnh Quý Châu.

Mặc dù từ chối nhưng lại liên tiếp nhận được loạt thư thuyết phục đầu hàng, Ngô Tam Quế giữ im lặng cho đến tháng 10/1643, hơn nửa năm trước khi hoàng đế Sùng Trinh treo cổ. Ngô Tam Quế viết một lá thư gửi Hoàng Thái Cực. Theo Sohu, nội dung trong thư không được chép lại trong lịch sử nhưng Hoàng Thái Cực và Tổ Đại Thọ được cho là đã rất vui mừng.

Hoàng Thái cực phấn khởi mà viết thư trả lời: "Tưởng rằng tướng quân chưa quyết định, nếu tướng quân bỏ lỡ cơ hội này thì thật đáng tiếc cho ngài".

Quay lại thời điểm Ngô Tam Quế đứng trước hai lựa chọn, một là đầu hàng Lý Tự Thành, hai là quay sang đầu quân dưới trướng Mãn Thanh, điều mà Ngô Tam Quế nghĩ đến có thể là làm thế nào để đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân, Sohu nhận định.

Tiềm lực của quân Thanh khi đó đã rất mạnh, chẳng qua bị kìm chân ở Vạn lý trường thành, chưa thể tiến vào Trung Nguyên.

Những gì xảy ra sau đó đã được Minh sử chép chi tiết, Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải cho quân Mãn Thanh tràn qua. Lực lượng của hai bên không mất nhiều thời gian để tổ chức phối hợp tiến công quân của Lý Tự Thành.

Quân Ngô Tam Quế dùng miếng vải gắn lên quân phục để giúp quân Thanh phân biệt đâu là quân cùng phe và đâu là quân địch của Lý Tự Thành. Điều này chắc hẳn đã có sự chuẩn bị và toan tính từ trước.

Lý Tự Thành bị liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Thanh đánh bại, rút khỏi Bắc Kinh sau 43 ngày. Kể từ đó, nhà Thanh chính thức làm chủ Trung Nguyên. Tàn dư nhà Minh, gồm hoàng thân quốc thích rút về phía nam, lập ra nhà Nam Minh với khẩu hiệu "phản Thanh phục Minh". Ngô Tam Quế lại dẫn quân Thanh truy quét các lực lượng này.

Có thể nói, việc Ngô Tam Quế quay sang đầu hàng quân Thanh, được nhà Thanh trọng dụng là sự chuyển biến theo thời gian. Sở dĩ mỹ nhân Trần Viên Viên được nhắc đến chỉ nhằm thêu dệt thêm sự ly kỳ, đổ trách nhiệm lên đầu một người phụ nữ, Sohu nhận định.

Ngô Tam Quế là công thần trong giai đoạn đầu triều Thanh nhưng cuối cùng bị coi là tội đồ dưới thời hoàng đế Khang Hi. Do đó, những ghi chép trong Minh sử về vị tướng này đôi khi không hoàn toàn công bằng.