Công chúa được sủng ái nhất triều Thanh là ai?

Chủ nhật, ngày 05/01/2025 23:55 PM (GMT+7)
Hoàng tộc triều đại nhà Thanh xưa kia có rất nhiều công chúa, con gái của Càn Long ước tính cũng trên dưới 90 người. Trong đó, có một vị công chúa được Càn Long đế hết mực yêu thương và ân sủng, vì nàng là cốt nhục duy nhất của Hoàng đế và Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu (Phú Sát thị).
Bình luận 0

Trước nay, khi nói đến danh phận "Công chúa" thì hầu hết mọi người đều dành sự ngưỡng mộ cho danh xưng cao quý này. Công chúa là dùng để gọi chung các hoàng nữ của vua, nhưng cấp bậc cao thấp của công chúa trong hoàng thất được phân chia rất rõ ràng.

Dựa theo đó, những hoàng nữ do Hoàng hậu chính cung hạ sinh sẽ giữ vai vế cao nhất, được tôn xưng là "Cố Luân công chúa". Tiếp theo, cấp bậc công chúa vai vế nhỏ hơn là những nghĩa nữ được Hoàng hậu nuôi dưỡng hay các hoàng nữ do phi tần sinh ra, sẽ mang hiệu "Hoà Thạc công chúa".

Như vậy, xét về cấp bậc thì "Cố Luân công chúa" là cao quý hơn rất nhiều so với "Hoà Thạc công chúa", thậm chí còn cao hơn cả một vài chức vị nhỏ bé của các phi tần trong chốn thâm cung.

Vậy nàng công chúa được sủng ái nhất triều Thanh là ai?

Tương truyền, sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu qua đời trong một chuyến thưởng ngoạn, Càn Long Đế ngày đêm thương tiếc người vợ đầu tiên, đến nỗi rất nhiều năm sau đó ông đã bỏ trống ngôi vị Hoàng hậu vì quá yêu bà.

img

Càn Long Đế và Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Ảnh: Sound of hope.

Những người con của Càn Long và Phú sát Hoàng hậu trước đó đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại Cố Luân Hoà Kính công chúa là cốt nhục duy nhất của 2 người. Vì lẽ đó, Càn Long đã dành hết tình yêu thương cho cô con gái này.

Hòa Kính Công chúa ra đời vào ngày 24 tháng 5 (âm lịch) năm Ung Chính thứ 9. Khi hạ sinh nàng, Phú sát Hoàng hậu vẫn đang là Đích Phúc tấn của Hoàng tử Hoằng Lịch (vua Càn Long sau này). Dù là hoàng tam nữ nhưng nàng lớn nhất trong những người con gái thành niên của Hoàng đế, vì trước đó Hoàng tỷ của nàng đã qua đời.

Năm Càn Long nguyên niên (1736), nàng được phong vị hiệu Cố Luân Hòa Kính Công chúa, và là người đầu tiên trong 2 vị Hoàng nữ của Càn Long Đế được phong vị hiệu "Công chúa" dù chưa xuất giá.

Theo tục lệ triều Thanh, một Hoàng nữ đến tuổi trưởng thành và hạ giá lấy chồng thì mới được ban phong hiệu công chúa, Hòa Kính Công chúa dù chưa xuất giá mà đã có tước vị, đây có thể xem là trường hợp cực kỳ hiếm thấy.

Khi Hoà Kính Công chúa lên 7, Hoàng huynh của nàng là Nhị A Ca Vĩnh Liễn qua đời, để lại nhiều tiếc thương cho phụ mẫu và Hoàng thất. Vua cha vì quá đau buồn mà đem hết tình thương dành cho Nhị A Ca bù đắp qua cho nàng.

Năm Càn Long thứ 12 (1747), Hòa Kính Công chúa tròn 14 tuổi, nàng làm lễ hạ giá để thành hôn với Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ – Trác Tác Thân vương của Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ.

Ngạch phò Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ có xuất thân không hề tầm thường. Ông là cháu nội của Cố Luân Đoan Mẫn Công chúa – con gái nuôi của Thanh Thế Tổ Thuận Trị Đế. Đích mẫu của ông là Quận chúa Ái Tân Giác La thị – con gái thứ 5 của Dụ Hiến Thân vương Phúc Toàn.

img

Ngạch phò Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ. Ảnh: Sound of hope.

Ngoài ra, tổ tiên của Ngạch phò là Khoa Nhĩ Thấm tả dực trung kỳ Trát Tát Khắc Đạt Nhĩ Hán Ba Đồ Lỗ Thân vương Mãn Châu Tập Lễ – tổ phụ của Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, đồng thời là anh trai của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu.

Vào năm 9 tuổi, Ngạch phò đã được đem vào cung dưỡng dục, đọc sách cùng các Hoàng tử. Ông trở thành "Phụ quốc công" trẻ tuổi nhất của nhà Thanh thời bấy giờ.

Theo lẽ thường, các vị công chúa nhà Thanh khi thành hôn với nam nhân người Mông Cổ thì sẽ xuất giá theo chồng về vùng đất Mông Cổ. Nhưng vì quá thương con, Càn Long không nỡ xa con gái nên quyết định giữ Hoà Kính Công chúa ở lại Bắc Kinh và xây dựng Phủ công chúa cho nàng.

Công chúa phủ có 239 gian phòng, dùng bạc 29.880 lượng, là tòa Cố Luân Công chúa phủ tiêu chuẩn duy nhất và lớn nhất của nhà Thanh.

Tuy nhiên, vào cuối năm đó, Thất A Ca Vĩnh Tông mắc bệnh đậu mùa và không may qua đời khi mới 2 tuổi. Phú Sát Hoàng hậu liên tiếp chịu nỗi đau mất con mà trở nên u uất, bà đã đột ngột lâm chung trong một chuyến du ngoạn cùng Càn Long.

Sự ra đi của thân mẫu và Hoàng đệ đã để lại đả kích rất lớn đối với Cố Luân Hoà Kính Công chúa. Vì quá đau buồn mà công chúa phát bệnh triền miên. Theo sách "Cao Tông thật lục", năm Càn Long thứ 14, Hoàng đế dù bận rộn chính sự nhưng biết con gái ốm nặng đã trực tiếp đến thăm nom, coi sóc.

Kể từ khi Thất A Ca Vĩnh Tông lâm chung, Hoà Kính Công chúa là giọt máu cuối cùng của ông với Phú Sát Hoàng hậu, vậy cho nên ông tư niệm rằng sẽ dành hết tình yêu thương của mình cho con gái. Kể cả với Ngạch phò và các con của nàng cũng được quá sức sủng ái thiện đãi.

Minh chứng cho điều ấy là vào lúc bình định Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ, Ngạch phò Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ dung túng A Mục Nhĩ Tát Nạp, luận tội đáng chém, nhưng có người khuyên: "Hi vọng Thánh thượng niệm tình Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, thế nào có thể để công chúa thủ tiết?". Nhờ vậy mà Ngạch phò mới được tha tội chết.

Thêm vào đó là sau khi hạ giá, mỗi năm Cố Luân Hòa Kính Công chúa tiêu hết 10.500 lượng bạc, trong khi tổng thu là 8.900 lượng. Càn Long Đế thấy vậy thường thưởng thêm cho con gái 80.000 lượng, điều đó khiến Hòa Kính Công chúa duy trì cuộc sống sung túc.

Cũng vào lần sinh thần thứ 24 của Hoà Kính công chúa, Càn Long đã tặng cho nàng 5240 lượng vàng cùng trang sức châu báu vô cùng quý giá, thậm chí cho cả binh lính canh giữ nghiêm ngặt Phủ Công chúa nhằm tránh kẻ gian đột nhập.

Về hôn nhân, Hoà Kính công chúa có cuộc sống vợ chồng vô cùng viên mãn với Ngạch phò. Phu thê tương kính như tân, chung sống thuận hoà, hai người có với nhau 5 người con.

Nhưng rủi thay, vào năm Càn Long thứ 40 (1775), Ngạch phò đột ngột qua đời khi xuất quân đến Vân Nam. Một lần nữa, Hoà Kính công chúa rơi vào thảm cảnh mất đi người thương quý, nàng thường giam mình trong phòng trống và đau khổ gần như phát điên.

Năm Càn Long thứ 57 (1792), Cố Luân Hòa Kính Công chúa tạ thế tại Công chúa Phủ, nàng có mặt trên đời và làm con của cha mình tròn 62 năm. Hoàng đế Càn Long vô cùng tiếc thương con gái, ông đã đích thân khắc bia mộ và hợp táng nàng cùng với Ngạch phò Sắc Bố Đằng Ba Lạc Châu Nhĩ ở trấn Đông Ba, di chỉ mà ngày nay gọi là Công chúa lăng, thuộc Công Chúa Lĩnh, tỉnh Cát Lâm.

img

Tượng Cố Luân Hoà Kính Công chúa. Ảnh: Sound of hope.

Dựa theo Thanh triều lệ thường, chỉ có mộ của Hoàng đế mới được xưng lăng. Vậy mà mộ phần của nàng được vua cha ưu ái xưng lăng. Vậy cũng đủ đế thấy rằng, Cố Luân Hòa Kính Công chúa sinh thời được Càn Long Đế sủng ái thế nào.

Viên Minh (Theo Vạn Điều Hay)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem