Ngày 6/1, thông tin từ Công an huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, qua công tác nắm tình hình và các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thọ Xuân đã bắt giữ các 6 đối tượng trộm cắp chó trên địa bàn huyện.
Theo đó, rạng sáng 4/1, Công an huyện Thọ Xuân đã phối hợp với công an các xã, thị trấn phá chuyên án, bắt giữ 6 đối tượng trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gồm: Đỗ Ngọc Dương (SN 1994), ở thôn Thọ Khang, xã Xuân Hoà; Nguyễn Văn Phương (SN 1994), Trịnh Đình Tuấn (SN 1996), Nguyễn Tất Khoa (SN 1996), Hà Xuân Huy (SN 1987), cùng ở thôn Thọ Tiến, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, về hành vi trộm cắp tài sản và Lê Đình Hùng (SN 1995, ở thôn Thủy Tú, xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tại thời điểm bắt giữ, các lực lượng Công an huyện Thọ Xuân đã thu giữ 19 cá thể chó sống, có trọng lượng 323kg; 2 cá thể mèo, trọng lượng 3,5kg và các công cụ, phương tiện các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi trộm chó.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, trung bình mỗi đêm trộm cắp và tiêu thụ từ 200kg - 250kg chó. Từ đầu tháng 12/2024 đến khi bị bắt, các đối tượng đă bắt trộm tổng cộng gần 250 cá thể chó, trọng lượng khoảng 4 tấn.
Sau khi trộm các được chó, các đối tượng liên hệ với Lê Đình Hùng (SN 1995, ở thôn Thủy Tú, xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn) để bán.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân đã tạm giữ 6 đối tượng để tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định.
Ngày 6/1, theo tin từ Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (hoàng tộc nhà Nguyễn), Hội đồng đã báo cáo đến Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Huế và các cơ quan liên quan vụ việc di tích lăng Trường Thái - nơi an nghỉ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào trộm nghi để tìm vàng, châu báu.
Ông Tôn Thất Vĩnh - Trưởng hệ 9 của Nguyễn Phúc tộc cho biết: Vào khoảng 9h ngày 5/1, ông và một số người đến dâng hương tại lăng Trường Thái thì phát hiện có một khu vực ở lăng bị đào bới. Ban đầu, khu vực này sau khi bị đào được lấp lại và rải lá khô phía trên để ngụy trang nên mọi người không để ý.
Sau đó, khi quét dọn lá khô, nhân viên bảo vệ phát hiện ra hố đào. Ngoài ra kẻ gian cũng đưa một phần đất đá đổ phía vòng thành phía sau lăng.
Theo ông Tôn Thất Vĩnh, ngay khi phát hiện vụ việc, ông đã báo cáo đến Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc và đơn vị quản lý di tích để nhanh chóng có hướng xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, bên trong khu mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát xuất hiện dấu vết đục bê-tông và đào bới thành một hố lớn. Diện tích hố đào khoảng 50cm x 60cm. Hiện hố đào này đã được lấp tạm lại bằng đất đá.
Hố đào này nằm ở vị trí ngay phía trên đầu mộ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, di tích lăng Trường Thái (thuộc địa phận phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế).
Theo Bí thư Quận ủy Phú Xuân Võ Lê Nhật, hiện ông đã tiếp nhận thông tin vụ việc và đang chỉ đạo chính quyền địa phương và cơ quan công an theo dõi, điều tra xử lý vụ việc.
Lăng Trường Thái là nơi an nghỉ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765). Đây là vị chúa thứ 8 trong 9 chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát được xem là "ông tổ" của áo dài Việt Nam. Những năm qua, ngành văn hóa Huế thường tổ chức lễ hành hương, tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong các sự kiện tôn vinh áo dài.
Chiều 6/1, ông Trịnh Hoàn Cầu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Thạnh Trị (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin một bé gái nghi bị cha dượng bạo hành, đơn vị phối hợp với lực lượng Công an huyện Tân Hiệp để mời người đàn ông đó lên làm việc.
Đồng thời, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, phân công các ngành, đoàn thể, cùng với ấp xuống hỗ trợ cho bé. Bước đầu, UBND xã đã cho người đưa bé đến trạm y tế xã khám sức khỏe, hỗ trợ dụng cụ học tập và sữa uống cho bé...
Ông Cầu cũng thừa nhận, vụ việc do chính quyền địa phương phát hiện trễ nên bé nghi bị cha dượng bạo hành dẫn đến nhiều thương tích.
Thông tin về vụ việc, thượng tá Nguyễn Văn Đủ, Trưởng Công an huyện Tân Hiệp cho hay, sau khi nắm thông tin, đơn vị đã làm việc với ông Ng.V.L (32 tuổi, ấp Thạnh An 1, xã Thạnh Trị) và bé Ng,T.N (6 tuổi) theo quy trình. Hiện nay, Công an huyện Tân Hiệp đưa bé N đi giám định tỷ lệ thương tật.
Theo Công an huyện Tân Hiệp, ông Ng.V.L và bà Ng.N.Q (30 tuổi, mẹ cháu N) sống chung như vợ chồng thời gian gần đây.
"Trước đó, chúng tôi thấy bé N bị thương ở trán nên mời bà Q lên làm việc, bà này nói bé bị té. Sau đó, mạng xã hội đăng tải bé N bị bạo hành thì lực lượng công an vào cuộc và thu thập thông tin. Khi nào có kết quả giám định sẽ xử lý theo quy định" - thượng tá Nguyễn Văn Đủ nói.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một bé gái bị người cha bạo hành nên hai mẹ con bỏ nhà ra đi. Sau đó, mẹ bé gặp rồi sống như vợ chồng với người khác (là ông Ng.V.L). Thế nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", mẹ con bé N về sống với L nhưng bị người đàn ông này đánh đập gấp bội...
Ngày 7/1, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa các ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân và các bị cáo khác trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi ra xét xử sơ thẩm.
Cụ thể, 5 bị cáo bị Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử sơ thẩm gồm:
Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", Thái Thụy, Thái Bình), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"); Vũ Đăng Phương (Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do), bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản"; Lưu Bình Nhưỡng (cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội "Cưỡng đoạt tài sản";
Bị cáo Lê Thanh Vân (cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội), bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước), bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Vụ án sẽ được xét xử công khai tại Hội trường xét xử Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình.
Ông Lưu Bình Nhưỡng có 3 luật sư bào chữa; ông Lê Thanh Vân có 4 luật sư bào chữa; Cường "quắt" và Vũ Đăng Phương đều có 1 luật sư bào chữa; cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương có 3 luật sư bào chữa.
Trong vụ án, nhóm người từng đưa 300.000USD cho ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III được toà triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Những người này gồm anh Nguyễn Thế Mạnh (SN 1972, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Trọng Phong (SN 1977, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Văn Đức (SN 1984, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh).
Liên quan đến những cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về vi phạm của các bị cáo tại Dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình triệu tập các anh Nguyễn Đức Sinh (SN 1978, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), Trần Sỹ Thanh (SN 1967, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Với dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hội đồng xét xử sơ thẩm triệu tập ông Vũ Thanh Toàn (SN 1965, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, TP.Hà Nội) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan truy tố cáo buộc các hành vi vi phạm của các bị cáo được thể hiện rõ ở 5 vụ việc.
Vụ thứ nhất là vụ cưỡng đoạt tài sản của chi nhánh Công ty Sao Đỏ; vụ thứ hai là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng để trục lợi; vụ thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh để trục lợi; vụ thứ tư là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi; vụ thứ năm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn, thôn Tây Sơn, Bình Khê (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để hưởng lợi.
Cụ thể, cơ quan truy tố cáo buộc, Cường "quắt" và Phương đã có hành vi từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2022 dùng thủ đoạn sử dụng 45ha diện tích bãi triều giáp cửa sông Hóa thuộc địa phận xã Thụy Trường, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình do Cường và đồng phạm đã lấn chiếm trái phép và lấn chiếm trùng với mỏ cát của Công ty Sao Đỏ được cấp phép khai thác, là lối đi duy nhất để tàu thuyền của công ty đi vào mỏ để khai thác để ép buộc, cưỡng đoạt Công ty Sao Đỏ tổng số tiền là hơn 4,9 tỷ đồng.
Với ông Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan truy tố cáo buộc, tháng 5 - 6/2021, khi Cường "quắt" đến nói cho ông Nhưỡng biết việc Cường dùng thủ đoạn nêu trên để lấy tiền của Công ty Sao Đỏ, nhờ bị can Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi và khi được Cường bán cho vợ chồng ông Nhưỡng 30ha bãi triều với trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng), đã giao cho Cường quản lý, khai thác cho vợ chồng bị can Nhưỡng để thu tiền thì ông Nhưỡng đã điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ Cường.
Đồng thời, ông Nhưỡng đưa bị can Cường đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản. Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Cường cùng đồng phạm tiếp tục cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Ông Nhưỡng cũng bị cáo buộc lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công an TP.Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho anh Bùi Văn Thao (người làm của Cường). Hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.
Mặt khác, ông Nhưỡng tiếp tục bị cáo buộc lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện Dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000USD; ký 2 văn bản can thiệp yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (Đông Anh, TP.Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có trị giá 1,95 tỷ đồng; gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty cổ phần Trường Sinh được sớm cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.
Với ông Lê Thanh Vân, ông này bị cáo buộc ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội, nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá 1,95 tỷ đồng ở dự án; gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.
Chiều 6/1, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với hai cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai và thuộc cấp.
Theo đó, bị cáo Trần Minh Hùng (SN 1964), cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai bị tòa tuyên phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Bị cáo Nguyễn Gia Bảo (SN 1953), cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cũng bị tòa tuyên phạt mức án 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo: Phan Văn Thanh (SN 1960), cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính 12 năm tù; Đặng Minh Thư (SN 1961), cựu Phó phòng Đào tạo 7 năm 6 tháng tù; Hoàng Thị Kiều Nguyệt Nga (SN 1982) cựu Kế toán trưởng 7 năm tù; Dương Minh Hiếu (SN 1977), cựu Phó phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng 4 năm tù; Lê Thị Hoài Lan (SN 1980), cựu Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục 5 năm tù.
Riêng bị cáo Võ Thị Ngọc Dung (SN 1991), cựu kế toán Phòng Kế hoạch Tài chính bị tuyên phạt 18 năm tù về tội Tham ô tài sản. Ngoài ra, tòa cũng tuyên buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho Trường Đại học Đồng Nai. Trong đó, bị cáo Hùng phải bồi thường hơn 3,5 tỷ đồng, Bảo hơn 300 triệu đồng, Thanh hơn 3,8 tỷ đồng, Dung hơn 900 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo Thanh và Hùng để đảm bảo thi hành án.
Trường Đại học Đồng Nai được thành lập năm 2010, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Từ năm 2009 - 2022, trường có tổng kinh phí hoạt động hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp hơn 1.000 tỷ đồng. Theo quy định, nguồn kinh phí trên phải được quyết toán, báo cáo tài chính hằng năm. Tuy nhiên, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý, theo dõi thu chi đã để ngoài sổ kế toán, không báo cáo tài chính hằng năm một phần nguồn thu kinh phí tự chủ.
Cáo trạng xác định trong thời gian trên, các bị cáo đã báo cáo tài chính nhằm theo dõi, quản lý, thu chi, sử dụng kinh phí trong các hoạt động của trường không đúng quy định với tổng số tiền hơn 106 tỷ đồng. Qua đó, gây thiệt hại cho trường hơn 23,5 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.