Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất chi 55 tỷ đồng hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc nhằm chấm dứt nạn cưỡi voi mà chuyển sang mô hình du lịch thân thiện.
Việc chi hỗ trợ thực hiện từ tháng 11/2022 đến 12/2026, tại huyện Buôn Đôn (Vườn Quốc gia Yok Đôn, trung tâm; các công ty du lịch) và huyện Lắk. Nguồn kinh phí này do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tài trợ.
Đây là tin vui đối với những người làm công tác bảo tồn voi và là nỗ lực của các đơn vị trong việc bảo vệ đàn voi nhà trước nguy cơ “tuyệt chủng”.
Nhưng vui mừng nhất có lẽ là các chủ voi - những người luôn xem voi như thành viên đặc biệt trong gia đình.
Anh Y Winh Êung, nài voi ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: đối với chúng tôi, voi cũng như thành viên trong gia đình nên không có chuyện chúng tôi ngược đãi voi để làm ăn.
Những năm gần đây, chúng tôi cũng đang định hướng phát triển du lịch thân thiện gắn với voi bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có trả phí như: du khách cho voi ăn, chụp hình cùng voi, ngắm voi thay vì cưỡi voi.
Với những hỗ trợ từ nhà nước, sẽ phần nào yên tâm về bữa ăn và dinh dưỡng cho voi. Đã có những khoảng thời gian, vì mưu sinh mà chúng tôi phải dùng voi để làm du lịch, chở du khách nhằm kiếm thêm nguồn chi phí cho bữa ăn hằng ngày của gia đình, cũng là thêm nguồn để cho voi có thêm bó mía, nải chuối.
Bởi thực tế khi mà diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp thì không chỉ cảnh quan, môi trường sống cho voi bị mất đi mà nguồn thức ăn cho chúng cũng ngày càng cạn kiệt. Vậy nên, muốn có ăn thì voi cũng phải “lao động” bằng cách chở khách, làm du lịch.
Thực tế hiện nay, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà, trong đó có 22 con voi ở huyện Buôn Đôn, 14 con voi ở huyện Lắk và 1 voi ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980 khi cả tỉnh có hơn 500 con voi nhà.
Có nhiều lý do cho sự sụt giảm này như việc bán voi đi các tỉnh thành khác, nạn tấn công voi để trộm ngà và lông đuôi voi, môi trường sống của voi bị thu hẹp và việc khai thác voi quá sức. Thêm vào đó, trong suốt hơn 30 năm qua, chưa có con voi cái nào sinh sản thành công, trong khi tuổi của các con voi cái ngày càng cao.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đắk Lắk đã có hẳn chương trình “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng” nhằm nghiên cứu, hỗ trợ mang thai cho 3 voi cái có tên là Bắc On, Ban Nang và Bặc Khăm.
Hy vọng về một tương lai gần, đàn voi nhà sẽ được “tháo gông” để tự do đi lại trong rừng Đắk Lắk, thoải mái tìm kiếm những loại thực vật mình thích, thậm chí có thể thoải mái ghép đôi một cách tự nhiên với các cá thể voi khác. Viễn cảnh này sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn trong nỗ lực bảo tồn đàn voi nhà.
Chương trình thành lập tổ thú y, cắt cử người túc trực liên tục ngày đêm, thậm chí sử dụng những trang thiết bị y tế hiện đại, mời các chuyên gia đầu ngành quốc tế hỗ trợ voi sinh sản.
3 cá thể voi cái cũng đã mang thai thành công chờ tới ngày chuyển dạ. Nhưng kết quả không như mong đợi khi lần lượt các voi con đều chết ngạt trước khi ra khỏi bụng mẹ.
Trước nguy cơ đàn voi nhà bị “tuyệt chủng”, từ năm 2016 đến nay, AAF đã tài trợ 350.000 USD để hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk.
Kinh phí tài trợ bao gồm hỗ trợ tài chính cho chủ voi, nài voi để bù đắp phần thu nhập bị mất khi ngừng hoạt động du lịch cưỡi voi, triển khai hỗ trợ mô hình thân thiện với voi ở Buôn Đôn.
Kinh phí tài trợ cũng thực hiện cứu hộ, thuê dài hạn có trả chi phí cho chủ voi để đưa voi vào Vườn quốc gia Yok Đôn, đưa vào mô hình du lịch thân thiện với voi tại đây.
Tọa lạc trong không gian xanh ở con hẻm quanh co cuối phố (thuộc buôn Đung, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột), “Xứ sở voi Đắk Lắk” gây ấn tượng bởi “bức tường voi” với hàng nghìn tượng voi đủ màu sắc, kiểu dáng, thuộc nhiều dòng gốm Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ, Bình Dương…
Cùng với đó là rất nhiều cổ vật, vật dụng có hình tượng voi hay có liên quan tới nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng như: dây thừng làm bằng da trâu từng được dùng để săn bắt voi Tây Nguyên ngày xưa, miếng đệm lót trên lưng voi làm bằng vỏ cây, tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở Đắk Lắk chuyên sáng tác về chủ đề voi, hay gốm sứ và những hiện vật có hình voi, sách của các tác giả trong và ngoài nước thể hiện hình ảnh voi,…
Có thể nói, nơi đây như một bảo tàng về voi với rất nhiều hiện vật gợi nhớ hình tượng những con voi hùng dũng ở Tây Nguyên.
Chủ nhân nơi này là Võ Minh Luân, nhà sưu tầm cổ vật có tiếng tại Đắk Lắk. Anh Luân chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Ma Thuột nên có nhiều tình cảm với vùng đất này.
Anh Võ Minh Luân giới thiệu cổ vật trong không gian trưng bày của mình.Ở Tây Nguyên, voi được biết đến là loài động vật đặc biệt, có liên quan tới nhiều huyền tích, huyền sử cũng như nét độc đáo về văn hóa tộc người - nghề thuần dưỡng voi rừng.
Tuy vậy, trước thực tế số lượng đàn voi tại địa phương đang ngày càng suy giảm, nhất là đàn voi nhà đang “chết dần”, thì việc xây dựng nên “Xứ sở Voi” không chỉ là câu chuyện sở thích của cá nhân mà trở thành trách nhiệm của bản thân mỗi người dân trong việc cùng với địa phương lan tỏa thông điệp về yêu voi, bảo tồn hình ảnh loài voi trong nhận thức và ký ức mọi người.
Với suy nghĩ đó, trong nhiều năm qua, anh Võ Minh Luân không quản ngại khó khăn, không tiếc tiền của và công sức đi khắp nơi để “săn” voi về lưu giữ trong không gian của mình.
Cứ nghe thông tin ở đâu có hiện vật quý, dù bận rộn công việc, anh vẫn sắp xếp thời gian đến tận nơi ngắm nhìn, tìm hiểu về hiện vật rồi sẽ tìm cách để đưa những hiện vật có liên quan đến voi về với “xứ sở”.
Trong số các hiện vật được anh Luân sưu tầm, có những cổ vật có giá lên đến hàng tỷ đồng, là cả một gia tài đối với nhiều người. Nhưng vì hiểu tâm huyết của anh nên những chủ sở hữu trước đó đã bằng lòng chia sẻ, tặng lại để anh lưu giữ. Nhờ đó, bộ sưu tập của anh ngày càng đồ sộ, số lượng lên đến hàng vạn.
Anh Luân đã dành hẳn một không gian rộng rãi, nên thơ để trưng bày bộ sưu tập cá nhân, mở cửa mỗi ngày để tiếp đón công chúng đến thưởng lãm.
Anh Luân bộc bạch: Tôi đặt tên nơi này là “Xứ sở voi” vì mong muốn đây sẽ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản về voi của vùng đất Tây Nguyên nói chung cũng như các hiện vật voi cổ xưa của đất nước Việt Nam. Tôi cũng dành nhiều tâm huyết biến nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về biểu tượng văn hóa Tây Nguyên.
Nếu được thì có thể trưng bày bộ sưu tập của mình ở nhiều nơi để phổ biến rộng rãi hơn nữa cho mọi người dân cùng chiêm ngưỡng. Qua đó, góp phần lan tỏa thông điệp về bảo vệ và bảo tồn loài voi trên chính quê hương của chúng.