Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam, quả phật thủ với hình dáng như những ngón tay chụm lại giống bàn tay Phật, mang lại may mắn trong năm mới, tài lộc, ấm no, khỏe mạnh. Vì vậy, đây là thứ quả thường thấy trên mâm ngũ quả dịp Tết.
Khác vời không khí rộn ràng trên các vườn phật thủ dịp cận Tết Nguyên đán như mọi năm, thời điểm hiện tại, đi dọc các nhà vườn tại khu vực Đan Phượng, Hà Nội, không khí ảm đạm đang bao trùm đến lạ thường.
Tại 1 khu vườn ngổn ngang, bà Tạ Thị Tuất - một chủ vườn đang ngồi trên lối đi chật hẹp, kiên nhẫn cắt từng quả phật thủ bị hư hỏng: ''Đây là 1 loài cây khó tính, đòi hỏi sự chăm sóc cao, để gieo trồng và chăm sóc tôi phải tính toán kỹ, theo dõi sát sao thời tiết. Tưởng đợt Tết này có thể đem lại lợi nhuận lớn nhưng không ngờ mất trắng.
''Nhà tôi có tổng cộng 4 mẫu trồng phật thủ, do ảnh hưởng của bão lũ thiên tai nên đã hỏng mất 3 mẫu rưỡi, số còn lại cũng dở dang. Vì vậy coi như vụ Tết năm nay mất trắng 100%'', bà Tuất xót xa.
Cũng theo bà Tuất, số quả còn sót lại tại nhà vườn không đủ để cung ứng ra thị trường, vốn đầu tư lên đến cả tỉ đồng mà không thu lại được gì nên Tết năm nay phải thắt chặt chi tiêu.
''Gia đình tôi năm nay đón một cái Tết buồn vì không có nguồn thu. Tất cả vốn liếng đổ vào trồng phật thủ mà không nhận lại được, hiện tại tôi rất buồn và bất lực'', bà Tuất rầu rĩ.
Không chỉ thất thu về số lượng, bà Nguyễn Thị Hải (chủ vườn tại huyện Đan Phượng) chia sẻ, chất lượng quả phật thủ năm nay cũng không được đánh giá cao do ảnh hưởng của bão lũ.
Cũng theo bà Hải giá bán mỗi quả phật thủ bình thường sẽ dao động từ 20.000 đến 60.000 đồng, với loại đẹp có thể đạt từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Tuy vậy năm nay giá phật thủ sẽ còn tăng mạnh do mất mùa.
''Số lượng quả thu hoạch được ở vườn nhà tôi rất ít. Mất mùa nên giá phật thủ sẽ đắt hơn so với mọi năm, ví dụ như những quả bé bán với giá 50.000 đồng thì hiện tại có giá 60.000 đồng'', bà Hải nói.
Kiên trì đi từng ruộng, ngắm nghía từng quả phật thủ, chị Nguyễn Hoàng Lan (một tiểu thương ở thành phố Hà Nội) cho biết: "Năm nào tôi cũng đến đây thu mua phật thủ để bán cho dịp Tết. Tuy nhiên năm nay phải đi về tay trắng vì các nhà vườn gần như thất thu không có quả. Có lẽ phải lỡ hẹn với vụ mùa năm nay''.
Đứng trước sự mất mát lớn về kinh tế nhưng thay vì buông xuôi, bỏ cuộc người dân tại huyện Đan Phượng đang cố gắng khắc phục thiệt hại kiên trì, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Hiện tại, chúng tôi vẫn hàng ngày cắt tỉa cành hỏng, xử lý đất, bổ sung phân bón để cây phục hồi những cây còn sót lại. Có thể năm nay không kịp cho vụ cho Tết, nhưng hy vọng cây sẽ khỏe lại và cho nhiều quả vào vụ mùa năm sau", chị Nguyễn Thị Ngọc – chủ vườn hy vọng.
Chia sẻ về gánh nặng kinh tế, chị Ngọc cho biết bản thân mong muốn được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, các ngân hàng có những chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội phục hồi lại sản xuất cho vụ mùa năm sau.