Hà Nội "báo động đỏ" về ô nhiễm không khí, liên tục đứng đầu thế giới vì đâu?
Hà Nội "báo động đỏ" về ô nhiễm không khí, liên tục đứng đầu thế giới vì đâu?
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 09/01/2025 06:15 AM (GMT+7)
Trước việc các trạm quan trắc không khí đo được cho thấy Hà Nội nhiều ngày ô nhiễm kỷ lục, đứng đầu thế giới, trao đổi với PV Dân Việt, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân.
Hà Nội ô nhiễm không khí đáng báo động, nhiều ngày liên tiếp đứng đầu thế giới
Nhiều ngày nay, Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ghi nhận ở mức 201- 300 (thuộc ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe). Thậm chí có thời điểm, Hà Nội nhiều ngày xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.
Lúc 8h sáng ngày 7/1, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 272 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người. Nhiều ngày qua, Hồ Tây (Hà Nội) vẫn là khu vực xếp đầu về ô nhiễm. Điểm Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) ghi nhận AQI mức 416, Ciputra (Tây Hồ) AQI 408, Quảng Khánh (Tây Hồ) AQI 372, Quảng Bá (Tây Hồ) AQI 320... Đây đều là những chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.
Các khu vực khác ghi nhận AQI ở ngưỡng tím như Từ Hoa (Tây Hồ) AQI 256, Lê Duẩn (Hoàn Kiếm) AQI 256, Phố Lò Đúc AQI 270, Trần Hưng Đạo AQI 233... Trong ngày 8/1, Hà Nội vẫn lọt top 2 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan, một trong những yếu tố gây nên ô nhiễm kéo dài được các nhà nghiên cứu về môi trường chỉ ra đến từ các dự án, công trình xây dựng. Nhiều khu vực ở Thủ đô hiện đang được triển khai các hoạt động chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình, dự án.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại hạng mục cứng hóa kênh La Khê (đường Ngô Quyền, quận Hà Đông, thuộc dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội), chất lượng không khí bị ảnh hưởng nặng nề do đất đá và cát bụi từ công trường. Nhiều hộ dân tại đây cho biết, ngày nào cũng phải dọn dẹp, vệ sinh nhà nhiều lần để giảm tình trạng bụi bẩn bám vào các vật dụng, đồ đạc.
Chỉ tay ra đường bụi mù mịt mỗi lần các phương tiện chạy qua, anh Vũ Trọng Hào (trú tại đường Ngô Quyền, Hà Đông) ngao ngán cho hay, chỉ cần một ngày không lau chùi, lớp bụi dày đặc sẽ bao phủ mọi ngóc ngách trong và ngoài căn nhà nơi gia đình anh sinh sống.
"Tình trạng ô nhiễm không khí khiến gia đình tôi vô cùng lo ngại. Hằng ngày dù đóng kín cửa nhưng bụi vẫn bám đầy tường, nền nhà, bàn ghế trắng xoá. Càng những ngày cuối năm không khí càng ô nhiễm, không chỉ riêng trẻ nhỏ mà những người khoẻ mạnh như tôi cũng thường xuyên đau rát họng, ho nhiều ngày không dứt", anh Hào chia sẻ.
Chung nỗi lo đó, gia đình chị Nguyễn Anh Thư (37 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, những ngày cuối năm mật độ tham gia giao thông tại thủ đô Hà Nội là rất lớn khiến ô nhiễm càng nghiêm trọng.
"Mỗi lần đi làm tôi thấy ám ảnh bởi cảnh tắc đường, ô nhiễm môi trường. Tôi vốn dĩ mắc chứng viêm xoang nên rất nhạy cảm với thời tiết. Từ nhà tôi sang nơi làm việc cách 7km nhưng có khi mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đi đường cảnh xe leo lên vỉa hè, xả đầy khói bụi có lúc mù mịt. Mấy ngày nay, Hà Nội luôn xếp ô nhiễm không khí bậc nhất thế giới khiến tôi càng lo ngại hơn đến tình trạng sức khoẻ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con nhỏ", chị Anh Thư lo lắng.
"Đừng hy vọng ô nhiễm không khí Hà Nội nay làm mai giảm luôn được"
Trước việc Hà Nội liên tục xếp hạng đứng đầu thế giới, nhiều ý kiến lo ngại liệu đây có phải điều bất thường? Trao đổi với PV Dân Việt, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho hay, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hà Nội đã ô nhiễm từ vài năm trở lại đây nên không có dấu hiệu gì bất thường.
Ông Tùng lý giải ô nhiễm đầu tiên đó là do các nguồn thải của Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát. Thay đổi về thời tiết như: mưa, gió, độ ẩm… những điều kiện này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm mức độ ô nhiễm.
"Những điều kiện thời tiết không thể điều khiển được. Cách kiểm soát được đó là hạn chế các nguồn ô nhiễm. Mấy năm qua chúng ta cũng đã biết được các nguồn ô nhiễm cụ thể: khói thải từ giao thông, công trình xây dựng, đốt rơm rạ… Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch nâng cao cải thiện chất lượng không khí, trong đó có rất nhiều biện pháp ngắn, trung, dài hạn để hạn chế ô nhiễm.
Việc này cũng đã đưa ra kế hoạch nhưng triển khai thực hiện kế hoạch đó chưa nhìn thấy rõ. Việc triển khai này chúng ta đừng hy vọng nay làm mai giảm ngay luôn được. Đó là những biện pháp ngắn hạn để giảm dần. Chúng ta kỳ vọng với các biện pháp này mỗi ngày ô nhiễm không khí sẽ được giảm một ít, nhiều ngày giảm ít đi mới thành công được. Những biện pháp này vừa tốn công, vừa tốn sức lại tốn tiền", ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh, Hà Nội đã có rất nhiều biện pháp, trong đó biện pháp ngắn hạn cần làm ngay. Ví dụ như, Hà Nội phun nước rửa đường trước đầu giờ sáng để làm sạch đường phố và giảm bụi. Hoạt động này được thành phố Hà Nội tăng cường trong những ngày gần đây, khi tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn. Vào dịp cuối năm, người dân rất bức xúc trước việc vỉa hè cứ bị đào xới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã giao các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý kịp thời để khắc phục, chấn chỉnh.
"Đối với các công trình xây dựng tôi cho rằng nên yêu cầu lắp đặt camera kiểm soát. Làng nghề tái chế, đốt nhiên liệu rất nhiều nhưng không có quy trình xử phạt, cương quyết xoá bỏ những điểm đen. Đối với giao thông có biện pháp xử lý ngay đó là giảm xe buýt chạy bằng xăng dầu, tăng cường xe buýt điện.
Ai cũng bảo như vậy sẽ tốn kém nhưng muốn không khí sạch thì không thể không tốn tiền. Những bài học của các nước họ làm, cương quyết và có lộ trình có tác dụng cộng hưởng. Tôi thấy rất nhiều việc có thể làm được. Sắp tới chúng ta bàn chuyện hạn chế rác thải, có những chính sách triển khai", ông Tùng nêu quan điểm.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, vị chuyên gia này cho rằng, thành phố cần triển khai quyết liệt. Đặt ra kế hoạch nhưng không làm mạnh thì khó có lý do để giảm thiểu được ô nhiễm.
"Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao các hệ thống quan trắc để thông báo cho người dân, một mặt nâng cao nhận thức, mặt khác bảo vệ sức khoẻ, người dân cũng thấy trách nhiệm của mình ở trong đó, làm gì để mỗi người giảm thiểu đi xe máy, bảo dưỡng xe máy, tham gia giao thông công cộng…
Các biện pháp ngắn hay dài hạn liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương và cụ thể các địa phương trong nội thành làm gì, ngoại thành làm gì, có biện pháp triển khai quyết liệt chứ không phải kế hoạch, hô hào chung chung", ông Tùng nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.