Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, dự thảo luật "không có nghĩa là Armenia trở thành thành viên của Liên minh châu Âu theo nghĩa đen của từ này", vì quyết định về việc nước ông có gia nhập khối này hay không sẽ cần phải được đưa ra thông qua một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.
Yerevan đã báo hiệu trong nhiều tháng rằng họ có thể chính thức nộp đơn xin gia nhập EU trong tương lai gần. Tháng 9 năm ngoái, một bản kiến nghị khởi xướng một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU đã được đưa ra, với 60.000 cử tri Armenia ký vào cuối tháng 10. Ủy ban Bầu cử Trung ương đã thừa nhận tính khả thi của sáng kiến này vào tháng 12.
Thủ tướng Pashinyancho biết hôm thứ Năm 9/1 rằng Yerevan sẽ thảo luận với Brussels về lộ trình gia nhập trước khi tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc.
Dưới sự lãnh đạo của ông Pashinyan, Armenia đã trở nên gần gũi với các quốc gia phương Tây, chủ yếu là Pháp và nước này đã trở thành nhà cung cấp an ninh cho Armenia.
Vào tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan cho biết nước này đang cân nhắc nộp đơn xin gia nhập EU . Armenia cũng đang trong quá trình rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO)—một nhóm các quốc gia hậu Xô Viết được coi là câu trả lời của Moscow cho NATO.
Ông Mirzoyan đã trình dự luật ngày 9/1, nói rằng Armenia và EU đã phát triển mối quan hệ "khá sâu sắc và năng động" trong những năm gần đây, Armenia News đưa tin.
Mối quan hệ của Armenia với Nga đã xấu đi kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Nước này đã tìm cách tạo khoảng cách với Moscow, đồng thời tăng cường quan hệ với châu Âu.
Armenia đã nỗ lực giảm bớt vai trò truyền thống của Nga trong hoạt động quốc phòng và hòa giải ngoại giao.
Vào tháng 10, Yerevan và Moscow đã nhất trí rằng lực lượng bảo vệ biên giới của Nga với Iran sẽ sớm được thay thế bằng lực lượng bảo vệ địa phương. Moscow đã đưa quân đội để bảo vệ biên giới Armenia kể từ những năm 1990.
Trước đây, những ứng viên EU thành công phải trải qua các cuộc cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng trước khi được cấp tư cách ứng cử viên. Armenia và EU đã làm việc theo khuôn khổ hội nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Nâng cao (CEPA), có hiệu lực vào năm 2021.
Khối này đã đánh giá lại chính sách mở rộng của mình trong bối cảnh xung đột leo thang với Nga. Brussels đã thúc đẩy để Moldova và Ukraine bước vào con đường gia nhập vào tháng 6 năm 2022, trong động thái được nhiều người coi là sự khước từ chính trị đối với Moscow. Georgia, quốc gia theo đuổi chính sách quốc gia độc lập hơn trong những năm gần đây, đã bị Hội đồng châu Âu phớt lờ khi chấp nhận lời đề nghị của hai quốc gia Liên Xô cũ khác.
Moscow đã cảnh báo người dân Armenia không nên tin vào ý định của phương Tây, nói rằng Mỹ và các đồng minh của họ không quan tâm đến lợi ích của đất nước họ. Armenia "sẽ phải từ bỏ truyền thống, chuẩn mực xã hội quốc gia và mối quan hệ thương mại ổn định" với các quốc gia khác trong khu vực để liên kết lại với phương Tây, điều này sẽ đồng nghĩa với "tự sát quốc gia", Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cho biết vào tháng 11 năm ngoái.
Vào tháng 3 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đã cáo buộc chính phủ Pashinyan "sử dụng lý do và bóp méo lịch sử gần đây để cố tình phá hoại mối quan hệ với Liên bang Nga".